Đến viếng anh hùng Nguyễn Văn Thương, nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thưởng không quên mang theo vài đĩa hát có thâu bài Người anh hùng tình báo. Bài hát đó được ông viết sau khi đọc xong cuốn sách Người bị CIA cưa chân 6 lần.
“Tôi mang lời hát tiễn đưa anh đi...”
“Cách đây 10 năm tôi có đọc cuốn sách Người bị CIA cưa chân 6 lần của cô Mã Thiện Đồng. Đọc xong cuốn sách, tôi bật khóc. Chỉ trong vòng hơn một tuần sau đó, tôi viết ra bài hát này để dành tặng anh” - ông chậm rãi kể.
Sau đó, qua sự kết nối của tác giả Mã Thiện Đồng, ông được gặp người mà mình thầm kính trọng. “Tôi mang tặng anh, nghe xong ảnh thích lắm. Từ sau lần đó, trong mấy cuộc giao lưu nói chuyện, anh luôn giới thiệu bài hát này vì nghe anh bảo thích nên nghe mãi, chỉ nhiêu đó mà sao tôi cứ thấy ấm lòng” - ông kể.
Từ đó ông Thưởng vẫn hay lui tới nhà của anh hùng Nguyễn Văn Thương để thăm hỏi và trò chuyện. Cho đến khi nhận tin người mà mình kính nể đã mãi ra đi, ông Thưởng lại bồi hồi: “Tôi biết khoảng gần hai tháng nay anh không có mở đĩa để nghe bài hát tôi viết cho anh nữa. Rồi anh ra đi, nghe mà hụt hẫng. Giờ đến viếng anh, tôi chỉ mong mở lại bài hát này cho anh nghe, tiễn biệt anh một chặng cuối của cuộc đời...”.
Dù đã đến thắp nén nhang đầu tiên ngay khi nhận được tin anh hùng Nguyễn Văn Thương mất vào tối 13-8 nhưng sáng hôm sau, bà Mã Thiện Đồng, tác giả cuốn sách Người bị CIA cưa chân 6 lần, vẫn cùng vài người bạn của mình đến thắp nhang.
Bà Mã Thiện Đồng (phải), tác giả cuốn sách Người bị CIA cưa chân 6 lần, đến chia sẻ nỗi đau cùng với gia đình. Bà coi anh hùng Nguyễn Văn Thương như người anh thân thiết của mình. Ảnh: THANH TUYỀN
Bà vẫn còn nhớ ngày 27-5 vừa rồi, bà cùng mọi người đến nhà thăm ông. “Tôi chỉ cần hỏi anh rằng: “Anh ơi, anh bị bắt ở đâu? Có phải ở cánh đồng Mỹ Phước không?”... Chỉ cần thế là anh lại bắt đầu kể cho chúng tôi nghe mãi không thôi câu chuyện của mình...” - bà nhớ lại.
Lần này đến, bà không quên mang theo cuốn sách Người bị CIA cưa chân 6 lần do chính bà đã viết, bao bọc cẩn thận trong chiếc túi nhỏ. Khi có người ngỏ ý muốn xin lại cuốn sách để làm kỷ niệm, bà nghẹn ngào: “Đây là cuốn sách mà tôi sẽ gửi nó theo anh Thương nên không tặng cho bất kỳ ai được!”.
Người truyền cảm hứng cho tuổi trẻ
Ngồi bên ngoài khu vực chờ vào viếng, ông Nguyễn Quang Khánh (Tám Khánh), một đồng đội cũ của anh hùng Nguyễn Văn Thương, vẫn ngóng chờ thêm bạn bè của mình. “Hồi đó tôi làm ở Tổng cục II nhưng cũng chưa biết nhiều về ảnh, chỉ nghe kể về anh qua câu chuyện bị CIA cưa chân sáu lần. Tôi nghe mà lòng thầm thán phục về ý chí kiên cường của anh trước những thủ đoạn tàn bạo của địch” - ông Tám Khánh nhớ lại. “Cho đến năm 1973, ảnh được trở về nhà. Tôi cùng mọi người ra đón ảnh, rất nhớ giây phút đó. Ai cũng mừng vì thấy ảnh còn khỏe, từ sau lần đó tôi cũng hay lại nhà ảnh chơi. Nghe tin ảnh nằm viện, tôi có ghé thăm mấy lần. Hôm qua cũng tính ghé thăm thì lại được tin ảnh đi rồi. Tôi thấy lòng mình mất mát đi nhiều” - giọng ông buồn hẳn.
Anh em thân thiết với nhau hơn 15 năm qua, cùng đi với nhau qua hơn 30 cuộc giao lưu trò chuyện ở nhiều nơi, có biết bao nhiêu kỷ niệm gắn bó mà giờ không thể nói cho rành rọt từng lời. May mà tôi còn viết được cho anh cuốn sách, tấm lòng của tôi dành cho anh, tôi dành hết để viết nên cuốn sách này. Bà MÃ THIỆN ĐỒNG, tác giả cuốn sách |
Theo lời ông Tám Khánh, người dân ở khu phố của ông ai ai cũng cảm mến, kính trọng anh hùng Nguyễn Văn Thương. “Anh có đến phường tôi ở nói chuyện mấy lần, dân ở chỗ tôi ai cũng thương quý anh cả. Họ nhắc đến anh miết, coi anh như một tấm gương để noi theo” - ông Tám Khánh nói.
Ở đám tang của ông, không chỉ có đồng đội, bạn bè cùng thời mà còn có những người trẻ. Họ đến viếng vì chính anh hùng Nguyễn Văn Thương đã mang lại niềm cảm hứng cho các bạn trong cuộc sống.
Nguyễn Lê Thanh Thùy, một học sinh biết đến ông qua sách báo, nghe tin đã đến để thắp nhang cho ông. “Bị giặc cưa chân đến sáu lần nhưng ông vẫn chịu đựng, không hé một lời. Em luôn nghĩ về sức chịu đựng của ông khi đối mặt với nỗi đau về thể xác như vậy, điều đó chắc chắn phải xuất phát từ tinh thần yêu nước mãnh liệt của ông. Em tự hỏi liệu tuổi trẻ của chúng em sau này có làm được như ông hay không. Em cũng học được ở ông tinh thần lạc quan, luôn vươn lên trong cuộc sống dù cơ thể tật nguyền” - Thùy xúc động.
Thiếu tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương sinh năm 1938 tại xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) trong một gia đình cách mạng. Ông tham gia cách mạng từ tháng 5-1959. Năm 1961, ông được phân công phụ trách công tác bảo vệ cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó là bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định). Sau đó, ông được chuyển sang hoạt động trong ngành tình báo dưới sự huấn luyện trực tiếp của ông Mười Nho (Đại tá Nguyễn Nho Quý, Trưởng ban Tình báo khu Sài Gòn-Chợ Lớn). Ông cũng được giao nhiệm vụ giao liên tình báo ở khu vực Bắc Sài Gòn (Sài Gòn - Bến Cát - Bình Dương). Ngày 10-2-1969, trong lần trên đường mang tài liệu từ Sài Gòn ra vùng căn cứ, Nguyễn Văn Thương bị địch bắt. Sau nhiều lần tra khảo, mua chuộc không thành, quân đội Mỹ đã đưa Nguyễn Văn Thương ra đập nát hai bàn chân. Chỉ trong ba tháng sau đó, ông đã sáu lần bị cưa sáu đoạn chân nhưng ông vẫn không khuất phục. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, Nguyễn Văn Thương mới được trở về đoàn tụ với gia đình. Ngày 6-11-1978, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |