Áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão, hướng vào nam Trung bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm KTTVQG), lúc 7 giờ sáng nay, 25-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 110 km về phía nam đông nam.

Cường độ ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80 km tính từ tâm ATNĐ.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Mô hình dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: VNDMS

Đến 7 giờ sáng mai (26-10), vị trí tâm bão cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230 km về phía đông. Cường độ bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Trong các giờ tiếp theo, bão duy trì hướng và tốc độ 15-20 km/giờ, suy yếu dần thành ATNĐ, đi vào khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Do ảnh hưởng của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, trên khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-5 m, biển động rất mạnh.

Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-4 m, biển động.

Ngoài ra, ở khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Tại cuộc họp sáng 25-10 của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm KTTVQG nhận định, khả năng cao trong ngày hôm nay ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão. Các khu vực trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão sẽ là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Tuy nhiên các khu vực chịu ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài vừa rồi như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn sẽ có mưa to.

"Chúng tôi dự báo thời điểm mưa to nhất kéo dài từ đêm 26 đến tối 27-10. Trong 24 giờ đó cục bộ có nơi mưa đến 200 mm. Sau đó, bão di chuyển vào đất liền tương đối nhanh và suy yếu cũng nhanh. Do vậy mưa trực tiếp do bão sẽ kết thúc nhanh" - ông Lâm nói.

Quảng Ngãi thiệt hại nặng do mưa lũ

Theo cáo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 24-10, mưa lũ đã làm bốn người chết và mất tích tại Quảng Ngãi.

Cũng tại Quảng Ngãi, mưa lũ cũng làm hơn 600.000 ha lúa, rau màu; gần 3.000 con gia súc, gia cầm bị chết; hơn 150 ha thủy sản bị thiệt hại; 11 tấn lương thực bị ướt.

Hiện nay, tại địa phương này vẫn còn hơn 11.000 ngôi nhà bị ngập với độ ngập sâu từ 0,5-0,7 m tại huyện Bình Sơn.

Tại tỉnh Quảng Nam, cũng có hơn 5.000 ngôi nhà bị ngập tại huyện Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ, Hội An, có nơi ngập đến 1 m.

Nhiều tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, huyện, xã tại hai địa phương này bị hư hỏng, sạt lở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm