Cảnh báo có 2 cơn bão xuất hiện liên tiếp trên Biển Đông

Chiều 6-10, trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết thời điểm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mạnh lên thành bão vào khoảng 1-2 ngày nữa. Trong 24 giờ tới, ATNĐ giữ nguyên cường độ và mạnh dần lên, sau đó từ ngày 8 đến 10-10 sẽ mạnh lên thành bão số 7 và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung bộ, Bắc Trung bộ.

Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới/bão, mưa lũ chiều 6-10.
Ảnh: PCTT

Trung Trung bộ sẽ có mưa đặc biệt lớn

Đánh giá về cường độ của cơn ATNĐ/bão, ông Năng cho biết khả năng ATNĐ này có xu hướng mạnh lên đến cấp 8, gây nguy cơ gió mạnh trên các vùng biển ven bờ, đặc biệt là vùng biển khu vực Trung Trung bộ. Sau đó kết hợp với các yếu tố khác, như không khí lạnh mạnh, tiếp tục gây mưa lớn các tỉnh Trung bộ.

Ông Năng lưu ý chiều 6-10, cơn ATNĐ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía đông nam. Dự báo trong 24 giờ đầu, ATNĐ di chuyển tương đối nhanh, sau đó chậm lại, thời gian tồn tại trên biển tương đối lâu. Do đó, trong 2-3 ngày tới cần tiếp tục cảnh báo tình trạng mưa dông mạnh trên các vùng biển bão đi qua.

“Ngay khi ATNĐ mạnh lên thành bão số 7 thì đến ngày 12 và 13-10 tiếp tục có cơn bão khác đi vào khu vực bắc Biển Đông. Như vậy, trong khoảng 10 ngày tới, khả năng sẽ có hai cơn bão/ATNĐ” - ông Năng nói.

Hiện mưa lớn đang xảy ra ở các tỉnh Trung bộ. Dự báo từ ngày 6 đến 8-10, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to, riêng khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum mưa phổ biến 300-500 mm/đợt, có nơi trên 600 mm/đợt. “Từ ngày 9 đến 12-10, mưa lớn sẽ mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung bộ và đồng bằng Bắc bộ và xảy ra với cường suất lớn, lượng mưa rất to. Các tỉnh, TP ở Trung bộ và Bắc Tây Nguyên cần đặc biệt chú ý nguy cơ rất cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng diện rộng” - ông Năng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu sẵn sàng các phương án sơ tán người dân

Trước tổ hợp thời tiết thiên tai nguy hiểm, trưa 6-10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP từ Thanh Hóa đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, yêu cầu chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản 1100 ngày 23-8-2021 và Công điện 1107 ngày 31-8-2021. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP tổ chức kêu gọi, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền thoát khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các tỉnh khác vào tránh trú; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu; triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và ven biển.

Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán người dân để bảo đảm an toàn, đồng thời phòng chống dịch COVID-19.

Các địa phương cũng đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi.

“Các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, bảo đảm an toàn hồ đập, bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống” - công điện của Thủ tướng yêu cầu.

Tại cuộc họp ứng phó với ATNĐ/bão, mưa lũ chiều 6-10 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trần Quang Hoài đánh giá tổ hợp thiên tai vừa bão, mưa lũ sẽ gây ra rủi ro rất lớn về sạt lở đất, ngập lụt kéo dài cho khu vực ven biển, đất liền, khu vực miền núi, do đó cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo ông Hoài, cần có phương án đảm bảo an toàn cho giao thông, nhất là hiện nay nhiều người dân ở TP.HCM đang trở về địa phương, trong đó có những hộ gia đình đi bằng xe máy, có cả trẻ em, phụ nữ.

“Đây là tình huống rất nguy hiểm khi vừa gặp bão vừa có mưa lũ lớn. Tôi đề nghị khi có tình huống mưa lũ lớn, bão đổ bộ thì người dân không đi nữa và phải báo ngay với chính quyền khu vực đang đi để được hỗ trợ và đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19” - ông Hoài nhấn mạnh.•

 

Vẫn còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm

Theo Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến chiều 6-10 vẫn còn tàu thuyền của ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của ATNĐ.

Tính đến 14 giờ ngày 6-10, Quảng Ngãi còn 13 tàu, Bình Định còn 129 tàu và Quảng Nam còn một số tàu. Các phương tiện đã nắm được thông tin và đang di chuyển vòng tránh.

Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán 71.559 hộ/290.671 dân trong tình huống dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm