APEC với mối lo TPP

Hội nghị cấp cao thường niên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) khai mạc hôm 18-11 tại thủ đô Lima (Peru) bế mạc vào chiều 20-11 sau khi thông qua tuyên bố chung của hội nghị.

APEC phản đối chủ nghĩa bảo hộ

AFP đưa tin theo dự thảo tuyên bố chung, 21 nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục khẳng định quyết tâm hội nhập kinh tế bằng cách duy trì thị trường mở và phá bỏ hàng rào bảo hộ thương mại.

APEC bày tỏ lo ngại về quan điểm phản đối toàn cầu hóa ngày càng gia tăng ở Mỹ và ở châu Âu cùng các xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy.

APEC cam kết không phá giá nội tệ nhằm mục đích cạnh tranh và về lâu dài tiến tới thành lập một khu vực tự do mậu dịch châu Á-Thái Bình Dương.

Các quan điểm nêu trên của APEC hoàn toàn trái ngược với các tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Trong tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ siết chặt các biện pháp bảo hộ nhằm bảo đảm lao động công nghiệp để ngăn chặn nạn cạnh tranh giá rẻ từ Trung Quốc hay Mexico.

Ông cũng tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký kết, trong đó có Việt Nam.

Chính vì các tuyên bố này của ông Trump, phần lớn ý kiến thảo luận trong hội nghị APEC lần này đều lo ngại cho số phận của TPP.

Ngay trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Pedro Pablo Kuczynski đã nhấn mạnh: “Tại Mỹ và Anh, chủ nghĩa bảo hộ đang chiếm ưu thế… Điều quan trọng là thương mại thế giới phải tiếp tục phát triển và chúng ta phải chiến thắng chủ nghĩa bảo hộ. Ai muốn cổ súy cho chủ nghĩa bảo hộ cần phải đọc lại lịch sử kinh tế thập niên 1930”.

Tổng thống Obama đã cố trấn an các nước APEC. Ngày 19-11, bên lề hội nghị APEC, ông kêu gọi đừng vội phán xét mà hãy tạo cơ hội cho ông Trump. Ông giải thích: “Không phải tranh cử thế nào thì cầm quyền cũng như thế”.

12 nước ký kết TPP tham dự hội nghị ngày 19-11 ở Lima (Peru). Ảnh: STRAITS TIMES

Trung Quốc chìa ra con bài RCEP

Nhân cơ hội các nước đang hoang mang về TPP, trên diễn đàn hội nghị APEC hôm 19-11, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước APEC gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) như một giải pháp thay thế.

RCEP do Trung Quốc đề xuất được đàm phán từ năm 2012, gồm 10 nước ASEAN và sáu nước ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Úc và New Zealand).

Nếu so sánh các nước tham gia sẽ thấy TPP có Mỹ nhưng không có Trung Quốc, trong khi RCEP có Trung Quốc mà không có Mỹ.

Trung Quốc xem RCEP như một chặng quan trọng để tiến tới thành lập Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Chúng tôi sắp dốc sức hoàn toàn cho toàn cầu hóa kinh tế bằng cách ủng hộ thương mại đa phương thông qua thúc đẩy thành lập FTAAP và nhanh chóng kết thúc đàm phán về RCEP”.

Ông Tập nhấn mạnh FTAAP là lựa chọn chiến lược quan trọng để châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng lâu dài.

Trong hội đàm với Tổng thống Nga Putin bên lề hội nghị APEC ngày 19-11, ông Tập cũng đã kêu gọi Nga và Trung Quốc hợp sức hơn nữa để thúc đẩy thành lập FTAAP.

Các nước APEC đang lo ngại quan điểm bảo hộ của ông Trump, nay ông Tập phát biểu như thế sẽ rất dễ được ủng hộ. Đây sẽ là trận địa quyết định cán cân địa-chính trị Mỹ-Trung ở châu Á-Thái Bình Dương.

Nhà kinh tế Brian Jackson ở công ty nghiên cứu thị trường IHS Global Insight nhận xét: “Không còn gì nghi ngờ nữa, nếu TPP thất bại, đây sẽ là chiến thắng to lớn đối với Trung Quốc về chính trị cũng như kinh tế”.

Ông ghi nhận: “Rõ ràng Trung Quốc kiên quyết thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại khu vực để bảo vệ các khả năng cạnh tranh thị trường”.

Tiếp tục theo đuổi dù có Mỹ hay không

Tại cuộc họp báo hôm 19-11 (giờ địa phương) ở Lima, người phát ngôn thủ tướng Nhật Yasuhisa Kawamura cho biết trong hội nghị trước đó, các nhà lãnh đạo của 12 nước ký kết TPP đã tiếp tục khẳng định cam kết phê chuẩn TPP ở từng nước. Ông cho biết phía Mỹ hứa sẽ nỗ lực hơn nữa để làm cho nước Mỹ và nhân dân Mỹ hiểu rõ tầm quan trọng của TPP.

Kênh truyền hình Channel NewsAsia ghi nhận thông báo nêu trên rất có ích vì hội nghị TPP không ra tuyên bố như thường lệ. Ông Yasuhisa Kawamura giải thích hội nghị không phát tuyên bố vì chỉ mới 10 ngày sau bầu cử Mỹ, còn quá sớm để xác định chính sách phù hợp với chính quyền mới của Mỹ.

Trong khi đó hôm 18-11, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo thông báo sáu nước gồm Mexico, Nhật, Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore sẽ tiếp tục theo đuổi TPP dù có Mỹ hay không.

Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Allan Bollard đánh giá nếu Mỹ rút khỏi TPP, 11 nước còn lại vẫn có phê chuẩn hiệp định. Còn Thủ tướng New Zealand John Key ghi nhận các nước thành viên TPP vẫn có thể sửa đổi TPP sao cho Donald Trump có thể chấp nhận được.

Bộ trưởng Ngoại thương Canada Chrystia Freeland tuyên bố quan điểm của chính phủ Canada về TPP không thay đổi và quyết định phê chuẩn TPP thuộc về nhân dân Canada.

Bà giải thích: “Đây là điều chúng tôi có thể nói với người dân và doanh nghiệp Canada. Trước tiên, điều quan trọng là Canada phải có nền kinh tế mở và toàn cầu. Khi có làn sóng bảo hộ ở nhiều nước, đây là thách thức và cũng là cơ hội cho Canada. Đây là cơ hội để kêu gọi các nước và các doanh nghiệp nước ngoài rằng Canada là một quốc gia mở cửa cho đầu tư và di dân”.

_____________________________________

12 nước trong khu vực ký kết TPP gồm Nhật, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Úc, New Zealand, Canada, Chile, Mexico, Peru và Mỹ.

_____________________________________

Nụ hôn của thần chết đối với TPP

(Cựu đại sứ Canada tại Tổ chức Các nước châu Mỹ Allan Cullham so sánh như thế sau khi ông Trump muốn
tăng cường chủ nghĩa bảo hộ và Tổng thống Obama không đưa TPP ra Quốc hội phê chuẩn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới