Nhưng đó cũng là chiếc HCB lịch sử của xe đạp Việt Nam tại một kỳ Á vận hội - thành tích có công rất lớn của “chim mồi” Nguyễn Phan Ngọc Trang.
Từng hai lần giành HCB trẻ châu Á, Nguyễn Thị Thật đến với xe đạp cũng rất tình cờ. HLV đội tuyển xe đạp nữ quốc gia Ngô Quốc Tiến bật mí: “Nếu không có lời nói vô của chủ tịch tỉnh, làng xe đạp nữ An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung không thể sở hữu tay đua tài năng như Nguyễn Thị Thật”.
Gia cảnh khó khăn nên cha mẹ phải đi làm ăn xa. Nhà có ba chị em gái đều do bà nội coi sóc. Thuyết phục được cha mẹ Thật, anh Tiến lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của bà nội. Con gái đua xe đạp sau này sao lấy chồng? Ở nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo không đua với đạp gì hết… Trước lời nói như đinh đóng cột của bà, anh Tiến thấy tiếc vì sau các bài test, Thật đều vượt ngưỡng một tài năng xe đạp triển vọng.
HLV Ngô Quốc Tiến bộc bạch: “Thuyết phục kiểu gì bà cụ cũng nhất quyết cự tuyệt không cho cháu chơi xe đạp”. Bí đường, thầy Tiến cầu viện đến chủ tịch tỉnh bởi trước đó, cha Thật từng có thời gian công tác chung. Chính nhờ lời nói vô của chú chủ tịch, cha Thật đã về thuyết phục bà nội cho cô theo chơi xe đạp.
Kể từ đầu năm 2014, Nguyễn Thị Thật đã ba lần xuất sắc đoạt cú đúp áo vàng - áo xanh ở ba cuộc đua tour nữ đều có các tay đua nước ngoài tham dự. Từ những thành quả đó, xe đạp Việt Nam đã mạnh dạn đề xuất đưa Thật và tuyển thủ Nguyễn Phan Ngọc Trang (Bình Dương, về đích hạng 12 chung cuộc) tập huấn tại Hàn Quốc hai tháng trước thềm Asiad. Rõ ràng khi sức bền, tốc độ được cải thiện đã giúp Nguyễn Thị Thật (thành tích 3 giờ 39’33) đánh bại ĐKVĐ Asiad Hsiao Mei Yu bằng màn đua nước rút thần tốc. Chỉ tiếc rằng do quá chú trọng vào Hsiao lẫn các đối thủ mạnh của Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc… Thật đã để “sổng” Jutatip giành mất chiếc HCV.
Môn điền kinh, VĐV Dương Văn Thái chỉ về đích thứ 8/11 nội dung 1.500 m nhưng thành tích 3’50”50 của anh phá kỷ lục quốc gia.
MQ