Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã phản ánh khá nhiều vụ xâm hại tình dục và xâm hại trẻ em. Và để chứng minh, kết luận 1 vụ ấu dâm cần phải có chứng cứ và bản án có hiệu lực tuyên buộc. Nhưng với những chuyện chưa rõ ràng, chạy theo tâm lý đám đông có thể tạo ra bạo lực và tội ác.
Để có góc nhìn đa chiều hơn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nhà báo Đức Hiển về ý chí của đám đông trước các vụ ấu dâm:
Năm mình học lớp 9, hai người hàng xóm của mình bị bắt trong một vụ án giết người. Trước đó trong một cuộc nhậu, một người có mâu thuẫn và doạ giết nạn nhân, người khác a dua đế vào: "chơi nó luôn đi, ngán gì!". Hôm sau nạn nhân bị phát hiện chết bên vệ đường tàu với thân thể không nguyên vẹn.
Đoạn đường tàu mà nạn nhân phải đi bộ dọc ray (do đoạn đường bộ chạy song song với đường tàu bị ngập nước) chừng 300 mét, đi bộ mất chừng vài phút. Thời gian nạn nhân bị tàu cán, tính theo lịch chạy tàu là sau khi rời đám nhậu vài tiếng.
Nghi vấn được đặt ra là nạn nhân bị giết rồi vứt xác lên đường tàu tạo hiện trường giả. Công an bắt hai người hàng xóm vì họ doạ giết nạn nhân và sau đó nạn nhân bị phát hiện đã chết như vừa nêu.
Bị can không nhân tội nhưng vẫn bị nhốt. Hơn một năm sau, ở phiên phúc thẩm, thẩm phán phát hiện ra rằng việc nạn nhân bị tàu cán là có cơ sở. Thời điểm chết phù hợp với mức độ tiêu hoá của thức ăn mà nạn nhân dung nạp trong cuộc nhậu.
Cuối cùng thì vụ án cũng rõ ràng: anh ta nhậu say và ngủ luôn trên đường ray cho đến khi đoàn tàu chạy qua. Hai người hàng xóm được thả sau khi gia đình họ phải chịu ghẻ lạnh và suy sụp đủ đường...
Thực ra ý chí đám đông thường tăng cấp, dễ bị kích động, thiếu tỉnh táo, nặng suy diễn theo cách mà đám đông ấy hoặc bị tác động hoặc muốn nghĩ.
Đám đông thì nhiệt thành, nhưng nhiệt thành ấy có mang lại công lý hay không, là chuyện khác. Sẽ có ý kiến cho rằng nhờ đám đông gây sức ép nên công lý mới được thực thi, đúng, điều đó đúng một phần ở một số trường hợp. Nhưng với những chuyện chưa rõ ràng, chạy theo tâm lý đám đông có thể tạo ra bạo lực và tội ác.
Ở đây mình muốn nói đến sự ồn ào của các vụ ấu dâm. Mình tin rằng tất cả đều căm phẫn, ghê tởm và muốn trừng trị thủ phạm. Điều đó cần thiết, nó cho thấy thái độ xã hội với cái xấu. Tuy nhiên trước khi trừng trị thì cần chứng minh tội phạm đã.
- "Trẻ em không biết nói dối"
- "Không có lửa sao có khói?"
- "Ai đã can thiệp để tắt cầu dao điện hoặc xoá dữ liệu camera an ninh?"
Chúng ta có quyền đặt câu hỏi và đòi hỏi truy tìm thủ phạm, sau đó sẽ nghiêm trị nếu làm rõ và chứng minh được tội phạm. Tuy nhiên cần công bằng mà khẳng định một điều: Tuyệt đại đa số chúng ta chỉ nghe và tin lời của phụ huynh các em bé; chứng cứ trực tiếp và gián tiếp đều thiếu; lời khai chỉ có giá trị chứng minh khi nó phù hợp với chứng cứ khác; chứng cứ phải được thu thập đúng trình tự, thẩm quyền luật định. Và không ai bị coi là tội phạm khi chưa có bản án có hiệu lực tuyên buộc.
"Chủ tịch nước đã chỉ đạo điều tra vụ ấu dâm"?
Bạn cần hiểu chủ tịch căn cứ vào sự đòi hỏi của công dân và dư luận yêu cầu làm rõ. Các cơ quan phải vào cuộc, làm rõ thì có thể là có vụ ấu dâm, cũng có thể không. Chứ không phải là chủ tịch nước yêu cầu xử tù nghi phạm theo đòi hỏi của dư luận.
Để làm rõ một vụ xâm hại tình dục, cần có những căn cứ pháp y (dấu vết tinh dịch, vết rách màng trinh, vết cào cấu chống cự, quỹ thời gian của nghi phạm, ...); để ấn định mức án cần có hàng loạt yếu tố khác (tuổi tác, tình trạng sức khoẻ của thủ phạm và nạn nhân; số lần xâm hại; số lượng nạn nhân...). Thiếu đi một yếu tố hoặc mâu thuẫn giữa các chứng cứ buộc và gỡ tội là ngắc ngứ.
Việc share và bêu riếu người được coi là nghi phạm hai vụ ấu dâm là sai. Thậm chí phải nói thẳng là phạm pháp. Người bị bêu riếu có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thậm chí yêu cầu khởi tố người bêu riếu.
Thế vì sao đám đông làm vậy?
Điều này thì chính quyền phải nghĩ. Nhận thức của công chúng là một chuyện, nhưng tâm thế cho rằng chính quyền bao che hoặc bất lực đã làm nảy sinh phản ứng "tự xử". Nó cho thấy một góc đáng buồn của niềm tin vào công lý. Trong cả hai vụ trên, nếu người đứng đầu cơ quan pháp luật địa phương công khai việc tiếp nhận thông tin, hạn định thời gian xác minh và trả lời một cách đĩnh đạc, thì đã không có câu chuyện này.
Rất tiếc, trong các lớp cao cấp lý luận chính trị- hành chính, một trong các tiêu chuẩn mà cán bộ nguồn phải học trước khi được bổ nhiệm, không có phần nào dạy kiến thức và kỹ năng quản trị truyền thông.