Như đã biết, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) với giá 8.898,3 tỉ đồng. Nhưng lúc đầu qua các công ty thẩm định, có lúc giá AVG “đại nhảy vọt” lên tới 33.299 tỉ đồng. Điều gì đã thổi giá trị của AVG lên đến mức đó?
AVG tính tăng trưởng vượt 500% giai đoạn 2017-2020
Như Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu trong Kết luận thanh tra (KLTT) số 355 ngày 14-3, khởi điểm của thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG chỉ là công văn của ông Phạm Nhật Vũ ngày 15-10-2014 gửi đích danh ông Nguyễn Bắc Son, lúc đó là bộ trưởng TT&TT. Và sau đó qua nhiều quy trình thủ tục, ông Son đã có bút phê; thứ trưởng khi đó là ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án là vi phạm các quy định liên quan.
Trong thương vụ này, câu chuyện định giá AVG có nhiều điều cần bàn. Theo TTCP, khi bắt đầu dự án đầu tư mua cổ phần AVG, MobiFone đã chọn Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thực hiện tư vấn, sáp nhập doanh nghiệp (DN).
VCBS đã ký hợp đồng thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán (AASC) xác định giá trị DN. Ở lần định giá đầu tiên, giá trị của AVG được cho là đạt tới 33.299 tỉ đồng và có mức khuyến nghị thấp hơn gần 9.000 tỉ đồng.
Sau này, MobiFone đã yêu cầu VCBS phải thuê thêm một đơn vị nữa là Công ty TNHH Định giá Hà Nội-TP.HCM (Hanoi Valu) thẩm định giá AVG. Đáng chú ý, Hanoi Valu đã giảm giá AVG xuống còn 18.520 tỉ đồng. Sau đó lại là MobiFone chưa yên tâm lắm nên đã trực tiếp thuê Amax và công ty này định giá AVG còn 16.565 tỉ đồng, thấp hơn gần 2.000 tỉ đồng so với Hanoi Valu.
Giá trị AVG được thổi phồng cao gấp nhiều lần trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của công ty này. Ảnh: HTD
Tuy vậy, như TTCP đã chỉ ra các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị AVG tại thời điểm ngày 31-3-2015 chỉ dựa trên kế hoạch kinh doanh, đầu tư giai đoạn 2015-2020 do chính… AVG lập.
Trong khi đó, AVG đã phác họa một viễn cảnh rất… đột biến. Chẳng hạn như AVG đã dự báo giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước 150%-214%. Đáng chú ý, giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm sau cao hơn năm trước ở mức 150%-503%.
Tuy nhiên, TTCP đã kết luận các đơn vị này vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, đưa ra kết quả thẩm định dựa trên số liệu, phương án trong kinh doanh hoàn toàn là giả định mơ hồ, thiếu thực tế, không thể đạt… khi nhiều công ty truyền hình trả tiền đang gặp nhiều khó khăn và thị trường không phải lúc nào cũng phản ứng tốt.
Nhưng cuối cùng MobiFone vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá do Amax xác định giá trị AVG là 16.565 tỉ đồng để đàm phán giá mua cổ phần và ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với mức giá 8.889 tỉ đồng.
Một sự thật trái ngược là trước đó chính MobiFone, theo TTCP, đã biết rõ thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị DN để mua bán cổ phần là rất khó khăn. Theo đó, tại thời điểm xác định giá trị DN ngày 31-3-2015 là rất xấu, tổng tài sản là hơn 3.260 tỉ đồng nhưng nợ phải trả là hơn 1.266 tỉ đồng; từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ lũy kế đến ngày 31-3-2015 là 1.632,909 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).
Cổ đông tự mua cổ phiếu của mình cao gấp… 17 lần?
Điều này được TTCP đề cập khá chi tiết trong KLTT. Theo đó, AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài DN chiếm tỉ trọng lớn (đến ngày 31-3-2015 đầu tư ra ngoài DN hơn 2.659 tỉ đồng, chiếm 73,3% vốn điều lệ).
Đáng chú ý là việc đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình để mua lại cổ phần tại Công ty Cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh và Công ty Cổ phần An Viên B.P với số tiền hơn 2.473 tỉ đồng (bình quân cao gấp 13 lần so với vốn đầu tư ban đầu của các cổ đông là 189,6 tỉ đồng, các cổ đông này đã thanh toán bù trừ với việc mua cổ phần do AVG phát hành để tăng vốn điều lệ, các cổ đông của hai công ty này cũng chính là cổ đông của AVG).
Trong đó, khoản đầu tư 673,2 tỉ đồng nhận chuyển nhượng 3,96 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh (giá chuyển nhượng 170.000 đồng/cổ phần, cao gấp 17 lần mệnh giá cổ phần) với dự tính khu đất tại Hà Đông mà Công ty Cổ phần Giống tằm Mai Lĩnh đang sử dụng sẽ được chuyển thành dự án bất động sản.
Tuy nhiên, đến tận thời điểm công bố KLTT, dự án này vẫn chưa triển khai, khu đất vẫn đang thuê của Nhà nước cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Khoản đầu tư 1.800 tỉ đồng nhận chuyển nhượng 15 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần An Viên B.P (giá chuyển nhượng 120.000 đồng/cổ phần, cao gấp 12 lần mệnh giá cổ phần) với dự tính trong năm 2016 sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác dự án khai thác mỏ quặng bôxit Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất tại tỉnh Bình Phước. Thực tế đến nay KLTT cho hay Công ty Cổ phần An Viên B.P chưa được cấp quyền khai thác bôxit.
Việc AVG đầu tư hai khoản ngoài lĩnh vực truyền hình nêu trên tiềm ẩn rủi ro về tài chính, có dấu hiệu bất thường nhưng MobiFone vẫn mua hai khoản đầu tư này. TTCP kiến nghị vấn đề này cần phải được tiếp tục làm rõ.
Theo một chuyên gia về mua bán, sáp nhập, việc các cổ đông của AVG mua cổ phần của An Viên B.P và Mai Lĩnh đã “vận dụng” phương pháp “vừa là người bán vừa là người mua”. Tức là ở đây họ tự đánh giá tài sản của mình cao lên để bán cho chính họ mà có thể là thực tế không có bất kỳ dòng tiền nào phát sinh trong nghiệp vụ mua bán lòng vòng này. Sau đó, họ đưa một phần “tiền ảo” trong quá trình “mua bán lòng vòng” này để nâng vốn điều lệ cho AVG lên rất cao trước khi bán cho MobiFone - thực chất là vốn điều lệ của AVG được tăng ảo. Vốn điều lệ ảo này sẽ ảnh hưởng đến quá trình tính toán giá trị AVG của các đơn vị thẩm định giá.
AVG được hỏi mua giá 700 triệu USD? Như đã đề cập ở phần đầu, ngày 15-10-2014, ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT AVG, đã gửi công văn cho ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng TT&TT, để báo cáo và đề nghị ông Son “cho ý kiến chỉ đạo” về việc chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài. Theo đó, đối tác nước ngoài sẽ mua cổ phần của AVG và dự kiến năm 2015 sẽ mua 75%, với mức giá 525 triệu USD, cao hơn bảy lần so với giá cổ phần khi đó của AVG. Như vậy, nếu tính ra AVG sẽ có giá tới 700 triệu USD nếu căn cứ vào giá mà “đối tác nước ngoài” hỏi mua. Ông Vũ cũng thông báo đã nhận đặt cọc 10 triệu USD từ “đối tác nước ngoài” này. Sau khi nhận được công văn từ AVG, ông Son đã bút phê giao cho các vụ chức năng của Bộ TT&TT khi đó xem xét, thẩm định để trình Ban cán sự đảng Bộ TT&TT quán triệt. Tuy vậy, như TTCP đã chỉ ra trong quá trình thanh tra, cả AVG và Bộ TT&TT đều không cung cấp được tài liệu liên quan đến việc AVG đàm phán và nhận đặt cọc 10 triệu USD với “đối tác nước ngoài”. AVG cho biết không lưu trữ bất kỳ chứng từ liên quan nào. MobiFone có nêu tên một đơn vị. Nhưng các cơ quan, đơn vị nêu trên đều không cung cấp được tài liệu để chứng minh đã thực hiện giao dịch đàm phán, nhận đặt cọc 10 triệu USD như đã đề cập. CHÂN LUẬN |