Phải nhìn nhận rằng bóng đá Nhật và Hàn Quốc đã đạt đẳng cấp thế giới và cả hai nền bóng đá này cũng nổi tiếng là “bóng đá lực sĩ” của châu Á. Nên dù J-League 1, 2 hay K-League 1, 2 thì cũng rất nghiệt ngã về sức mạnh, độ va chạm và là thách thức lớn cho các cầu thủ Đông Nam Á.
Vì thế mà việc Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường mài đũng quần trên băng ghế dự bị cũng là điều không khó hiểu. Các HLV Nhật chẳng phải là gà mờ. Họ cần thời gian để các cầu thủ Việt Nam theo tập, thích nghi giáo án tập luyện nghiệt ngã, đủ sức khỏe, bản lĩnh, độ lì rồi tung ra sân cũng chẳng muộn.
Tuấn Anh khó khăn tìm vị trí ở CLB Nhật. Ảnh: XUÂN HUY
Thực tế là chỉ việc các đội Nhật hay Hàn Quốc tập luyện không thôi thì khối lượng vận động, mức độ va chạm và thời lượng còn hơn cả các trận V- League của Việt Nam. Các CLB Nhật hay Hàn Quốc đều tập luyện rất nặng. Chính vì lẽ đó, ra thi đấu ở nhịp độ cao họ chạy liên tục trong 90 phút là chuyện bình thường. Điều này ngược hẳn với bóng đá Việt Nam, tập thì rất nhẹ, dưỡng sức để thi đấu… Đó cũng là nguyên nhân các đội tuyển Việt Nam rất yếu, mà các HLV ngoại hay nói rằng chạy chừng được 60 phút là hết “pin”.
Từ sự chuyển đổi nghiệt ngã môi trường bóng đá này nên các cầu thủ Việt Nam cần rất nhiều thời gian để thích ghi. Các HLV Nhật thừa biết điều này. Các đội bóng Nhật có đội ngũ chuyên gia y tế, dinh dưỡng cùng các thiết bị hỗ trợ công tác theo dõi sức khỏe thuộc hàng tiên tiến thế giới.
Cầu thủ của ta chưa bao giờ khỏe (trên đấu trường châu lục) nên chẳng biết người ta khỏe thế nào đâu. Vì thế mà đến với giải của họ phải chờ, phải thử thách và phải thích nghi dần là điều dễ hiểu.
Không thể cứ nói hay của ta là đến xứ người cũng hay.