Sự kiện bà Inada từ chức là đòn đau đối với Thủ tướng Shinzo Abe trong bối cảnh chính trường Nhật rối như canh hẹ. Ông Abe mất đi một người thân tín bởi bà Inada theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc xét lại, người gần gũi với quan điểm chính sách của ông.
Thủ tướng Abe cầm quyền từ năm 2012 đang nuôi dưỡng hai tham vọng. Một là hạ kỷ lục người đứng đầu chính phủ dài nhất ở Nhật nếu cầm quyền đến tháng 11-2019. Hai là đạt được mục tiêu chính trị là thay đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật (không tham chiến). Ông Abe muốn đưa lực lượng phòng vệ Nhật tham gia các chiến dịch của đồng minh Mỹ ở ngoài nước và sẵn sàng tư thế đối đầu với các mối đe dọa bên ngoài, đặc biệt từ CHDCND Triều Tiên.
Muốn sửa đổi hiến pháp phải hội đủ hai điều kiện. Một là được đa số 2/3 của hai viện ủng hộ. Hiện thời ông đã đạt được yêu cầu này nhưng phải tiếp tục bảo đảm như thế sau tổng tuyển cử cuối năm 2018. Hai là được cử tri ủng hộ trong trưng cầu ý dân. Thế nhưng ý kiến cử tri sẽ phụ thuộc thái độ ủng hộ ông trong khi uy tín ông đang tuột dốc.
Theo thăm dò của báo Mainichi Shimbun hôm 23-7, tỉ lệ ủng hộ chính phủ đã rơi xuống mức 26%, tức giảm 10% so với tháng trước. Nguyên nhân do một số nghi vấn liên quan đến ông Abe như ủng hộ trường tư mua rẻ đất công (vụ Trường Moritomo Gakuen) hay giúp bạn có giấy phép mở trường thú y (vụ Trường Kake Gakuen).
Từ sau bầu cử Quốc hội tháng 12-2014, chính phủ của ông Abe luôn giữ 60% ý kiến ủng hộ. Đến đầu năm nay, tỉ lệ giảm dưới ngưỡng 50%. Theo thăm dò của các báo Asahi, Kyodo, Yomiuri, nếu giữa tháng 6 có trên 40% ý kiến ủng hộ ông Abe thì tỉ lệ này đã tuột xuống 30% vào đầu tháng 7.
Trước tình thế ấy, nhiều nhà nghiên cứu chính trị đã đặt câu hỏi về tương lai chính trị của Thủ tướng Abe. Chuyên gia Dmitry Streltsov ở Viện Nghiên cứu quốc gia về quan hệ quốc tế tại Moscow (Nga) đánh giá lạc quan: “Ông Shinzo Abe có thể đã phung phí hành trang chính trị trong thời gian khá dài nhưng tôi không nghĩ rằng ông ấy tìm được người kế thừa”.
Ngược lại, chuyên gia Nhật Shirai Satoshi cho rằng tình hình hiện nay là “đêm trước của hỗn loạn”. Ông khẳng định uy tín của chính phủ Nhật tiếp tục rơi tự do trong khi trong đảng cầm quyền cũng như ngoài đảng đều có các đối thủ chính trị sẵn sàng xuất hiện.