Đức có thể rút hết quân đang đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang một nước khác, nếu Thổ Nhĩ Kỳ cứ khăng khăng không cho phép nghị sĩ Đức vào thăm số quân này, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố ngày 15-5.
Hiện Đức có khoảng 250 binh sĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, đóng ở căn cứ không quân Incirlik, hỗ trợ Mỹ tiêu diệt IS ở nước láng giềng Syria. Không giống các nước khác, quân đội Đức không phải do chính phủ mà do Quốc hội Đức kiểm soát, vì lý do lịch sử và nhằm ngăn lạm dụng quyền lực. Có nghĩa các nghị sĩ Đức có quyền kiểm tra hoạt động của quân đội, bao gồm ở nước ngoài.
Nói với Reuters, một số nguồn tin Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nói việc các nghị sĩ Đức đến thăm binh sĩ tại Thổ lúc này không thích hợp, không giải thích gì thêm. Theo Bộ Ngoại giao Đức, điều này “hoàn toàn không chấp nhận được”. Cuối năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã một lần từ chối cho phép nghị sĩ Đức vào thăm binh sĩ. Tuy nhiên cuối cùng đã đổi ý.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên cùng với đó chúng tôi sẽ thăm dò một số biện pháp khác để thực hiện việc này. Đó có nghĩa là tìm cơ sở thay thế Incirlik, và một trong những lựa chọn là Jordan” - bà Merkel nói với báo chí ngày 15-5.
Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen thăm binh sĩ Đức tại căn cứ không quân Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 21-1-2016. Ảnh: REUTERS
Vài ngày tới sẽ có một đội khảo sát quân sự đến Jordan đánh giá khả năng lập căn cứ ở đây, Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Đức cho biết. Ngoài Jordan, đảo quốc Cyprus và Kuwait cũng đang được cân nhắc.
Dù bà Merkel mạnh miệng như thế nhưng theo Reuters, Đức và các quan chức quân đội NATO vẫn hy vọng có thể xóa được bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ, vì tầm quan trọng của các căn cứ NATO ở đây. Hơn nữa, di chuyển quân Đức khỏi căn cứ Incirlik sẽ làm gián đoạn công tác bay giám sát ít nhất hai tháng. Đức từ lâu đã có kế hoạch đầu tư hơn 60 triệu euro mở rộng và trang bị thêm cho căn cứ Incirlik, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đồng ý.
Tuyên bố của bà Merkel một lần nữa nhắc lại mâu thuẫn ngoại giao giữa hai đồng minh NATO. Quan hệ hai nước xấu đi sau vụ Đức và nhiều nước châu Âu từ chối cho quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vào nước mình vận động dân Thổ di cư ủng hộ nội dung hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-4, mở rộng quyền lực Tổng thống Tayyip Erdogan. Thời điểm đó, ông Erdogan đã chỉ trích Đức hành động theo kiểu Đức Quốc xã.