Tại phiên thảo luận hội trường sáng 2-11, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bày tỏ sự ủng hộ với việc tăng bội chi và phát hành trái phiếu chính phủ để cân đối ngân sách nhưng “lo cho anh Bình (Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình) vừa phải tăng tín dụng năm tới dự kiến 14% mà vẫn bảo đảm không gây lạm phát. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, dũng cảm mà làm được là hay”.
Cũng theo ông Lịch, “nói 65% nợ công là an toàn nhưng điều quan trọng là nguồn thu ngân sách để trả nợ hằng năm là bao nhiêu? Tôi tính toán thì sau 2015, 1/3 nguồn thu ngân sách là để trả nợ. Đây là vấn đề không còn an toàn”.
“Vung tay quá trán” nên phải “giật gấu vá vai”
ĐB Trần Du Lịch đã phân tích những nguyên nhân tiêu cực khiến ngân sách lâm cảnh “giật gấu vá vai”. Thứ nhất, duy trì quá lâu cách thức phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho, không rạch ròi giữa ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương nên nỗ lực tái cơ cấu của Bộ KHĐT vừa rồi vẫn chịu giới hạn. Thứ hai, chi tiêu “vung tay quá trán”, bộ máy phình ra quá lớn, đẻ ra quá nhiều ghế không ngân sách nào chịu nổi. Thứ ba, kỷ cương, kỷ luật trong chi tiêu ngân sách chưa nghiêm, thất thoát trong xây dựng cơ bản.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh và ĐBQH Trần Du Lịch (từ trái qua)trao đổi về tình hình kinh tế, xã hội, đầu tư và thu chi ngân sách bên lề hành lang QH sáng 2-11. Ảnh: TV
Ông Lịch hoan nghênh Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã mạnh tay xử lý thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực đầu tư về giao thông. “Nghe nói có bốn dự án, Bộ trưởng xem xét lại đã phát hiện quy mô dự án được nâng lên một cách vô lý và giảm được hơn 15.000 tỉ đồng. Nếu không phát hiện kịp thì đất nước này phải đóng thuế, phải nai lưng trả nợ cho những điều vô lý đó. Lại có những cây cầu cũ chỉ dài 70 m nhưng khi làm cầu mới thì đẩy quy mô lên 450 m để làm gì, có ý đồ nào đó trong vấn đề tăng dự án lên? Tôi đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc này. Cũng đừng “vung tay quá trán” chi xây dựng trụ sở, mua sắm xe, mua sắm thiết bị văn phòng. Đó là chi tiêu dùng chứ không phải đầu tư xây dựng cơ bản nên phải tiết kiệm” - ông Lịch nói.
Lương giả vờ, làm vật vờ
Chưa hài lòng với kết quả điều hành ngân sách, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) yêu cầu phải đổi mới, đột phá, cần cân nhắc lại các giải pháp. Ví dụ, cơ chế cắt giảm 10% kinh phí hành chính chẳng giải quyết được gì quan trọng lắm trong khi lạm phát hằng năm đã mất bao nhiều tiền rồi. “Chúng ta thấy đang có câu chuyện “lương thì giả vờ mà làm thì vật vờ”. Có những giải pháp rất rõ: khoán xe công, khoán chi tiêu, cho thuê trụ sở… cho thấy có hiệu quả, giảm chi tiêu nhiều, sao không kiên quyết làm?”- ông Nam đặt vấn đề.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng kỷ luật chi ngân sách chưa thật nghiêm. Trong điều kiện ngân sách khó khăn hụt thu lớn, bội chi tăng nhưng chi đầu tư phát triển vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng dàn trải, lãng phí trong chi tiêu công, nhất là chi hành chính, hội họp, khánh tiết. Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu quả. “Đề nghị Chính phủ cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật chi tiêu ngân sách, cần cân nhắc việc ban hành chính sách mới làm phát sinh chi ngân sách mà không cân đối được nguồn chi, rút kinh nghiệm đối với một số chính sách liên quan với người dân đã ban hành vừa qua nhưng không có tiền thực hiện” - bà Ngân nói.
Hụt ngân sách do gian lận thuế Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nguyên nhân thâm hụt cân đối thu-chi ngân sách 63.630 tỉ đồng so với dự toán có phần do tình trạng lợi dụng, gian lận và trốn lậu thuế. Từ tháng 6 đến 10-2013 đã thanh tra 85 cuộc, xử lý, truy thu, truy hoàn được 180 tỉ đồng, chuyển 32 hồ sơ doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hình sự sang công an, đã khởi tố 17 doanh nghiệp, bắt giữ 22 đối tượng vi phạm. Trong đó nổi cộm như Công ty TNHH Thiên Lộc ở Đồng Nai, Công ty Hà Vũ Phát, Công ty Trường Phát Lộc, Công ty Tân Kim Lợi, v.v... |
BÌNH MINH