Bà Trương Thị Mai: Một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật

(PLO)- Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, trong quá trình tổng kết việc lấy phiếu tín nhiệm đã có một số hạn chế, một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-2, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Tại hội nghị, ông Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, đã quán triệt về Quy định 96/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Theo ông Chính, Quy định 96 đã có sự kế thừa Quy định 262/2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Quy định 96 cũng cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định 41/2021 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và Thông báo kết luận 20/2022 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút.

phieu-tin-nhiem-can-bo-quy-dinh-96-truong-thi-mai

Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Điểm mới đáng chú ý của Quy định 96 là các điều khoản được cụ thể hóa, chặt chẽ và nghiêm minh hơn. Việc lấy phiếu tín nhiệm được xác định là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Đây là bước tiến, khẳng định vai trò của việc lấy phiếu tín nhiệm bởi trước đó trong Quy định 262 nêu,phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ.

Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm không còn chỉ là kênh thông tin mang “tính chất tham khảo quan trọng” mà đã trở thành nội dung quan trọng trong đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ.

Về tiêu chí lấy phiếu, Quy định 96 cũng bổ sung kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát... Các tiêu chí được xây dựng theo hướng cụ thể hơn, giảm thiểu các yếu tố “định tính” trong lấy phiếu tín nhiệm.

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là vấn đề mới, trước đây đã có Quy định 262. Trong quá trình tổng kết Quy định 262 thì thấy ngoài những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế.

Chẳng hạn như một bộ phận người đứng đầu cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm, vẫn còn nể nang, dĩ hòa vi quý, tinh thần phê bình, tự phê bình chưa cao, có biểu hiện lợi ích nhóm. Đáng chú ý một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.

“Trong quá trình thực hiện Quy định 96 cần khắc phục triệt để vấn đề này. Nếu thực hiện ko nghiêm thì chứng tỏ nghị quyết, quy định của Đảng chưa đi vào cuộc sống” - bà Mai nhấn mạnh.

Bà Trương Thị Mai cũng nêu rõ cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu và những người tham gia vào quá trình lấy phiếu tín nhiệm. MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cần tham gia giám sát, phản ánh để việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm trong năm nay đạt kết quả thực chất.

“Đây là căn cứ quan trọng để Đảng quy hoạch, bố trí, sử dụng những người có phiếu tín nhiệm cao, đồng thời có phương án bố trí, sắp xếp đối với người đạt tín nhiệm thấp” – bà Mai nói.

Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.