Đại học Luật TP.HCM vừa tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam từ góc độ pháp luật và quản trị".
Ths. Ngô Huỳnh Giang, Trường ĐH Luật TP.HCM nhận định việc thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt hiện nay rất cần đến sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngân hàng và công ty Fintech. Nói một cách dễ hiểu Fintech chính là công nghệ tài chính, chúng vừa mang lại cơ hội cho ngân hàng nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro.
Theo đó đối với lĩnh vực tài chính fintech mang lại nhiều thay đổi tích cực khi giúp khách hàng tiếp cận tài chính dễ dàng với độ minh bạch cao mà chi phí lại thấp. Đồng thời tạo ra những mô hình kinh doanh mới làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ truyền thống như Internet Banking, QR code, ví điện tử, ngân hàng số, mạng xã hội...Hay thúc đẩy mô hình gọi vốn từ startup mà không cần thông qua các kênh truyền thông, cũng như phát triển mô hình cho vay trực tuyến…
Điều này khiến các ngân hàng phải định hình lại chiến lược phát triển của mình, cũng thúc đẩy việc nâng cao hiệu suất thanh toán phi tiền mặt tại nước ta.
Trong lĩnh vực tài chính, các công ty Fintech tạo ra nhiều phương thức thanh toán nhanh gọn, mà không cần dùng tới tiền mặt. Ảnh: Internet
Tuy nhiên trong báo cáo bà Giang chỉ ra nhiều người vẫn cho rằng Fintech sẽ tranh mất một phần miếng bánh thị phần của ngân hàng hoặc tệ hơn là sẽ chiếm thị trường.
Bà Giang cho biết theo nhiều chuyên gia khoảng 10-40% doanh thu và 20-60% lợi nhuận của ngân hàng bán lẻ trên thế giới sẽ bị Fintech đe dọa trong 10 năm tới. Đó còn chưa kể những rủi ro như gian lận tài chính, ăn cắp dữ liệu, phát tán mã độc mà Fintech mang lại cho ngân hàng...
Song có nhiều chuyên gia cho biết các ngân hàng đủ khả năng thâu tóm các đối thủ này từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả của ngân hàng. Thực tế các Fintech cũng đã phối hợp với ngân hàng từ việc khách hàng buộc phải có tài khoản ngân hàng và tiền vào ví điện tử phải xuất phát từ tiền ngân hàng, tiền mặt ra vào ví điện tử cũng phải thông qua ngân hàng.
Như ngân hàng VP Bank hiện đang hợp tác với công ty Fintech Timo trong cung cấp dịch vụ ngân hàng số, hợp tác với Moca trong dịch vụ thanh toán số,... Đây cũng là tiền đề để hợp tác giữa ngân hàng và Fintech được thuận lợi, đảm bảo cung cấp đa dạng các phương thức thanh toán cho khách hàng.
Có thể nói Fintech và ngân hàng khi kết hợp với nhau sẽ giúp thay đổi phương thức thanh toán truyền thống. Tuy nhiên buổi hội thảo cũng chỉ ra, có hai chủ thể liên quan đến việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là: những người mua bán hàng hóa dịch vụ phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán khi mua sắm.
Đối tượng thứ hai là các đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ phải sử dụng các phương tiện chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt để người sử dụng dịch vụ có thể thanh toán được.
Hiện còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các ngân hàng và công ty Fintech chịu trách nhiệm lớn về việc cung cấp các phương tiện thanh toán cho người dân, nhưng các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Thế nhưng, tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ví như dịch vụ công với định hướng là tất cả dịch vụ phải được thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt, nhưng thực tế thời gian qua chuyển biến rất chậm.
Đối với vấn đề này, một cán bộ của ngân hàng nước ngoài tham dự hội thảo cũng nhận định Fintech thực sự hỗ trợ rất nhiều cho ngân hàng nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh phi truyền thống đối với tài chính ngân hàng. Nó tạo ra nhiều thuận lợi và rủi ro cho người sử dụng.
Tuy nhiên ông cũng chỉ không phải lúc nào sự kết hợp giữa Fintech với ngân hàng cũng góp phần thay đổi thói quen thanh toán phi tiền mặt. Vị này giả sử ngân hàng nhà nước muốn các hệ thống ngân hàng ngoài nước cùng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Ông đặt câu hỏi liệu với nông thôn có sử dụng thành thạo về công nghệ thanh toán như ở thành thị.
“Tôi không hình dung một người nông dân cưỡi trên lưng con trâu và tay cầm một smartphone để chuyển tiền hoặc làm gì đó. Vậy liệu ở nông thôn họ đã sử dụng quen với việc không dùng tiền mặt để thanh toán hay chưa?”, vị này đặt câu hỏi.
Ông cũng lấy ví dụ: “Tôi có tham gia các dự án Bộ y tế yêu cầu việc khám chữa bệnh phải tích hợp với việc thanh toán, và bắt đầu áp dụng ở những bệnh viện vùng sâu vùng xa trước. Thực tế từ người làm ngân hàng tôi nhận thấy điều này rất khó khăn, huống hồ gì bác nông dân đã quen với việc cầm sổ và chờ gọi tên. Thử hỏi bây giờ đưa một cái thẻ gì đó cho bác nông dân, tôi nghĩ một tháng sau hỏi thẻ nằm đâu, chắc họ phải… tìm trong vựa thóc để tìm nó”
Do đó theo vị này, việc kết hợp Fintech và ngân hàng trong lĩnh vực thanh toán tiền mặt là tốt tuy nhiên cần nhìn nhận một cách cụ thể giữa ước muốn và thực tế.