Bác sĩ AI: Viễn tưởng và thực tế

(PLO)- Công nghệ ứng dụng “trí năng nhân tạo” (AI) thực tế không thể thay thế bác sĩ khám chữa bệnh không chỉ bởi tính “nghệ thuật” mà còn là vấn đề đạo đức của nghề y.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi thấy nhiều người gọi AI là “trí tuệ nhân tạo”. Tôi nghĩ nên hiểu AI là “trí năng nhân tạo” hơn là “trí tuệ nhân tạo” vì chữ “tuệ” cao hơn khái niệm “Artificial Intelligence” nhiều. Có người đặt vấn đề liệu AI có thể thay thế bác sĩ hay không, tôi cho rằng viễn cảnh ấy chỉ là ngoa ngữ hơn là thực chất.

AI đang ở đâu trong ngành y?

AI là một sự mô phỏng trí thông minh của con người bằng máy tính. Bằng mô phỏng, máy tính có thể giải quyết một số vấn đề mang tính định lượng như mô hình và tiên lượng các hiện tượng, nhận dạng hình ảnh, đọc văn bản, nhận dạng tiếng nói,… Nhưng vì là mô phỏng nên AI không thể nào hoàn hảo.

Thực hành y khoa không chỉ dựa vào khoa học mà còn là nghệ thuật. Các thuật toán AI không có cái tính nghệ thuật trong đó nên không thể nào thay thế một bác sĩ thực thụ. Đúng là robot (như robot nổi tiếng Da Vinci) đã được sử dụng trong phẫu thuật. Tuy nhiên, robot chỉ là một công cụ hỗ trợ bác sĩ chứ không thể nào thay thế cảm nhận và sự phán đoán của bác sĩ vốn nằm ngoài sự định lượng của robot.

Một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ở Úc cho thấy đối với phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt thì hiệu quả của phẫu thuật với robot tương đương với phẫu thuật truyền thống (do bác sĩ thực hiện) nhưng nhóm dùng phẫu thuật bằng robot có thời gian nằm viện ngắn hơn và ít mất máu hơn nhóm truyền thống.

Còn trong lĩnh vực nội khoa thì việc ứng dụng các công cụ AI đã được triển khai trong thời gian 10 năm trở lại đây. Chủ yếu là những mô hình “Machine Learning” (các thuật toán thống kê) phân tích hình ảnh và phát hiện bệnh. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong thực hành lâm sàng ở Úc còn khá hạn chế, bởi vì ở Úc, bất cứ một phương pháp hay liệu pháp nào trước khi đưa vào sử dụng trong lâm sàng cũng đòi hỏi phải qua kiểm định và đánh giá rất cẩn thận, nghiêm ngặt.

Mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân không thể dùng máy móc thay thế. Ảnh minh họa: JCOMP/ FREEPIK

Mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân không thể dùng máy móc thay thế. Ảnh minh họa: JCOMP/ FREEPIK

Không thể thay bác sĩ

Năm ngoái, các hiệp hội y khoa Úc có ra tuyên ngôn về ứng dụng AI trong thực hành lâm sàng dành cho bác sĩ đa khoa. Trong đó có đoạn viết rằng tuy đa số bác sĩ Úc rất quan tâm đến AI nhưng họ không tin vào công nghệ này. Nhiều bác sĩ xem mối tương tác, liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân là rất đặc biệt trong việc thu thập thông tin và truyền đạt chẩn đoán. Vì vậy, họ không chấp nhận việc để AI đưa ra một chẩn đoán. Ngoài ra, những công nghệ mới dựa vào AI thường không có sự tham gia của bác sĩ lâm sàng nên việc triển khai các công nghệ này đều gặp khó khăn.

Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng AI không thể thay thế con người. Yếu tố chính ở đây là máy học từ con người, chứ không phải con người học từ máy. Trí thông minh của máy - hay nói đúng hơn là trí thông minh của các mô hình thống kê - hoàn toàn lệ thuộc vào trí lực và trí năng của con người. Nếu thông tin đầu vào của mô hình là “rác” hay nhiễu thì đầu ra của AI cũng là “rác” nên không có giá trị thực tế.

Ngoài ra, y đức và mối liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân cũng là một vấn đề trong ứng dụng AI. Liệu bệnh nhân có sẵn sàng để robot làm phẫu thuật mà không có sự giám sát của bác sĩ? Hiện chưa thể có một câu trả lời thỏa đáng. Trước đây có vài nghiên cứu cho thấy chó có thể phát hiện ung thư (dựa vào hơi thở, nước tiểu,…) chính xác như các thiết bị sinh hóa. Tuy nhiên, do vấn đề y đức nên việc sử dụng chó cho chẩn đoán y khoa vẫn chưa thể thành hiện thực. Tình trạng ứng dụng AI trong y khoa cũng là câu chuyện tương tự như vậy.

Tôi muốn nhắc đến một nghiên cứu từ Trung Quốc gây xôn xao dư luận vì khía cạnh đạo đức của nó vào năm 2016. Các nhà nghiên cứu ứng dụng AI trong việc nhận dạng các phạm nhân mà họ cho rằng chính xác đến 90%. Ngoài những sai lầm căn bản về phương pháp, nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng các tác giả chưa suy nghĩ đến tác động của thuật toán nếu được triển khai đại trà.

Trong khoa học, con số chính xác 90% là rất ấn tượng. Chính xác 90% có nghĩa là sai sót 10%. Chỉ 1% thôi đã đem lại biết bao oan khiên cho hàng triệu người và 10% thì có thể hàng trăm triệu người bị oan là tội phạm. Một sai lầm ghê gớm. Do đó, có thuật toán là một việc nhưng ứng dụng thuật toán một cách có trách nhiệm đòi hỏi nhà khoa học suy nghĩ đến một khía cạnh khác quan trọng hơn: Vấn đề đạo đức. Khoa học mà thiếu đạo đức là khoa học mất định hướng.

Nhưng sẽ là trợ thủ đắc lực

Tôi có trải nghiệm về ứng dụng AI trong y khoa. Nhóm nghiên cứu của tôi xây dựng thuật toán để tiên lượng gãy xương, xây dựng mô hình AI để phát hiện gãy xương cột sống. Những mô hình này có lợi thế là tính khách quan và tái lập, do đó có thể đưa ra những tiên lượng chính xác hơn bác sĩ.

Mô hình AI của chúng tôi có thể phân tích hàng ngàn, thậm chí hàng vạn phim X-quang trong vòng vài giờ đồng hồ. Bác sĩ thì không thể phân tích một số lượng lớn như mô hình của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể nói mô hình này thay thế bác sĩ, mà chỉ giúp bác sĩ phát hiện bệnh ở quy mô lớn. Nói cách khác, thay vì bác sĩ phải bỏ ra 12 tháng để đọc 1.000 phim X-quang, mô hình này có thể giúp họ đọc trong vòng một ngày, tức là nâng cao năng suất cho bác sĩ.

Do đó trong tương lai, công nghệ AI sẽ trở thành một trợ lý quan trọng cho bác sĩ. Các mô hình AI có thể đưa ra những tiên lượng diễn biến của bệnh tật, thậm chí phát hiện và chẩn đoán bệnh tật. Vậy nhưng sau cùng thì người quyết định và ký tên vào hồ sơ bệnh lý vẫn là bác sĩ - người thực sự có thể cảm thụ được tính “nghệ thuật” của nghề y.

(*) GS Nguyễn Văn Tuấn là người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm y học Úc. Hiện ông là giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc ĐH Công nghệ Sydney (UTS), giáo sư y khoa của ĐH New South Wales và Adjunct professor (giáo sư kiêm nhiệm) dịch tễ học và thống kê thuộc ĐH Notre Dame. Với hơn 350 công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới, ông đã đạt nhiều giải thưởng cao quý như Huy chương UTS về thành tích nghiên cứu ngoại hạng có tác động lớn đến chuyên ngành; Huân chương Úc của Nữ hoàng Elizabeth II vì những cống hiến quan trọng cho nghiên cứu y khoa và giáo dục ĐH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm