Bạch Long: Nụ cười kết từ nước mắt!

Mấy ngày qua, báo chí rôm rả đưa tin Bạch Long làm lại cải lương thiếu nhi nhưng chẳng ai hay anh là ông bầu tay trắng...

Bạch Long được khán giả biết đến như một nghệ sĩ qua những vai diễn để lại dấu ấn sâu đậm như Phạm Cự Trích trong Bão táp Nguyên Phong, Quách Hải Thọ trong Bích Vân cung kỳ án; Trần Quốc Toản, Kim Đồng… Giỏi vậy nhưng Bạch Long cười buồn cho biết: “Tôi chưa được phân vai nào riêng. Tôi chỉ là người thế vai khi nghệ sĩ khác đau bệnh hay bỏ hát. Có vở tuồng có bốn vai chính thì tôi lần lượt đóng thế hết bốn vai”.

Chuyên đóng thế vai

Bạch Long càng buồn hơn khi anh diễn thế thành công thì bị lấy giao cho người khác. Có những vở anh thế vai được chọn quay truyền hình, cơ hội nổi tiếng rất lớn, người nghệ sĩ bỏ vai quay lại giành. Có lần chị Bạch Lê thấy anh không đóng tiếp khi vở được quay truyền hình, hỏi anh tại sao như vậy, anh chỉ biết trả lời: “Em đâu biết làm sao đâu. Người ta lấy lại vai thì biết làm gì bây giờ”. Vậy rồi thôi…

Khi gây dựng nên Đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long, anh rất thương và công bằng với học trò. Có những phụ huynh của diễn viên không cho con đi diễn nữa, phải tìm em khác thế vai. Nhưng khi vở diễn thành công thu video bán khắp trong và ngoài nước, những phụ huynh này đưa con quay lại xin diễn, những đứa bé thế vai trốn vào góc rạp khóc. Bạch Long đến xoa đầu: “Con yên tâm đi, vai diễn vẫn sẽ là của con. Thầy rất thương những học trò thiệt thòi, có nghĩa, chịu thương chịu khó trong nghề vì hồi xưa thầy cũng như con”.

Bạch Long: Nụ cười kết từ nước mắt! ảnh 1

Các diễn viên trẻ trong nhóm Ánh Dương - Bạch Long đang diễn vở cải lương thiếu nhi Na Tra đại náo thủy cung ngày 25-7. Ảnh: HÒA BÌNH

Một lần toan tự tử

Nghỉ làm đoàn hát hơn một năm, số tiền dành dụm từ từ cũng hết, Bạch Long lột chiếc đồng hồ trên tay bảo đứa học trò mang đi cầm. Đứa học trò đi một hồi quay về đưa lại anh chiếc đồng hồ và 300.000 đồng, nói: “Đồng hồ người ta không nhận cầm. Thầy cầm tạm tiền này xài đỡ”. Hỏi tiền ở đâu ra, được biết đó là tiền lương 500.000 đồng mà đứa học trò đi làm thuê mới nhận được, Bạch Long rớt nước mắt. Trong bốn bức tường phòng trọ, nghĩ đến tương lai, Bạch Long khấn tổ: “Con xin tổ cho con đi hát lại, vì con còn trẻ quá, nếu con già rồi, không đi hát được nữa con cũng cam lòng. Nếu không cho con hát nữa, con xin tổ để con ra đi”. Bạch Long đã quyết sẽ tự tử nếu lâm vào bước đường cùng vì ngoài nghề hát anh không biết làm gì và cũng không muốn làm phiền người khác. Chỉ ba ngày sau, đạo diễn Hùng Lâm gọi điện thoại nhờ anh đóng thế một vai trong vở Ba chàng lính ngự lâm của Kịch IDECAF. Với khả năng thế vai chuyên nghiệp, chỉ vài ngày Bạch Long đã vào vai diễn mới ngon lành. Anh đến bắt tay đạo diễn Hùng Lâm cảm ơn: “Không có ông là giờ này có khi tôi chết rồi”. Từ đó tổ cho Bạch Long sống nhờ vào kịch.

Từ nhỏ Bạch Long đã sống với người mẹ nuôi do anh khó nuôi, gia đình phải đem cho. Đến năm anh 17 tuổi, qua cái hạn, cha mẹ ruột đến đón về, anh xin ở lại luôn bên người mẹ nuôi. Nhà mẹ nuôi bị giải tỏa, anh và bà trôi dạt về đình Cầu Quan sống. Hồi 20 tuổi, anh có người yêu thường đến đình Cầu Quan chăm sóc mẹ nuôi anh. Cả hai cùng bỏ ống heo chờ ngày đám cưới. Năm anh 24 tuổi, mẹ nuôi Bạch Long bệnh nặng, phải đập ống heo để lo thuốc thang. Mẹ nuôi mất, cha cô gái đến bắt cô về gả chồng. Bạch Long nuốt nước mắt cam chịu. Ngày cưới của cô anh muốn chết cho rồi với nỗi buồn vừa mất mẹ, lại mất luôn người thương…

Cái tâm để lại cho đời

Cải lương không còn đất sống nhưng cái tiếng làm cải lương đồng ấu, đào tạo diễn viên giỏi của Bạch Long vẫn còn đó. Đầu năm 2012, có hai bạn trẻ tuổi 22 là Nhựt Quang và Vũ Kiên tìm đến Bạch Long nhờ anh thành lập nhóm cải lương Ánh Dương - Bạch Long để làm lại cải lương thiếu nhi. Căn vặn, phân tích đủ nẻo về sự thiệt thòi, lỗ lả có thể gặp phải khi làm cải lương, hai bạn trẻ vẫn quyết làm, Bạch Long lại dốc sức vì cải lương, vì các em nhỏ.

Hằng ngày, điểm tập chỉ là căn phòng ở thuê chật chội, nóng bức của Bạch Long. Vậy nhưng lên sân khấu, các diễn viên trẻ ca diễn thuần thục, vũ đạo nhuần nhuyễn, cộng với niềm say mê nhập tâm vào vở khiến khán giả vỗ tay từng chặp. Con đường của nhóm Ánh Dương - Bạch Long đã đi qua khoảng 10 suất diễn với những công khó và kết quả đáng giá. Mồ hôi, tâm lực đã đổ ra nhiều như thế, dốc hết nghề ra như thế nhưng đến nay Bạch Long vẫn không nhận một đồng thù lao nào từ hai ông bầu trẻ, dù anh chẳng giàu có gì. Bởi, như Bạch Long tâm sự: “Mình từng làm bầu nên mình biết, rất khó khăn. Đến nay các suất diễn vẫn còn lỗ thì làm sao mình nỡ nhận tiền từ các em. Các em đã có lòng với cải lương như vậy là quý lắm rồi. Thôi thì coi như Bạch Long làm điều này với cái tâm của mình, với tấm lòng giúp sức cho cải lương, giúp cái nghề cho các em trẻ”.

Hỏi Bạch Long anh có tin rằng cải lương thiếu nhi sẽ thành công hay không khi sân khấu cải lương đang quá khó như hiện nay, ngay cả vở diễn quy tụ đông ngôi sao cũng không bán vé được. Bạch Long điềm tĩnh: “Làm với cái tâm, mình nghĩ sẽ thành công. Đồng ấu trước đây thành công cũng do các em nhỏ và tôi chỉ làm vở bằng cái tâm với nghề, với đời chứ không vì cái gì khác”.

Đồng ấu Bạch Long một thời rực rỡ

Bạch Long đã làm nên một điểm son đặc biệt cho sân khấu cải lương với Đoàn Đồng ấu Bạch Long. Những năm 1990, khi cải lương đã rơi vào khủng hoảng, Đoàn Đồng ấu Bạch Long diễn mỗi ngày ba suất, khán giả lúc nào cũng nghẹt rạp, tồn tại gần 10 năm trời.

Chuyện bắt đầu khi Bạch Long được Đài Truyền hình TP.HCM giao kịch bản Cóc kiện trời để phát vào tết Trung thu năm 1990. Anh đề nghị sửa Cóc kiện trời thành cải lương. Anh gom con cháu nghệ sĩ, thêm những đứa nhóc trong xóm dạy vũ đạo và hát hò để diễn. Cóc kiện trời khi phát hình được yêu thích quá, đài truyền hình đặt anh làm tiếp Con ngựa và củ cải khổng lồ, Cầu vồng và đàn thỏ… Lúc ấy, giám đốc rạp Đại Đồng bàn với Bạch Long đem những vở cải lương thiếu nhi này về rạp diễn vào mỗi sáng Chủ nhật. Ông chủ rạp tính kế: cảnh trí, phục trang đi mướn; tiền rạp thì có lời mới phải trả, lỗ thì thôi.

Khán giả trẻ ngày càng thích thú sân khấu cải lương đồng ấu này, Chủ nhật phải diễn hai suất, rồi tăng dần ngày diễn. Thấy vậy, nhiều rạp khác tranh nhau mời nhóm Đồng ấu Bạch Long về diễn. Suất diễn tăng cao, bầu Bạch Long tìm kiếm diễn viên và phát hiện ra anh thợ sơn Lương Văn Bình - tức diễn viên Vũ Luân mang về đào tạo. Nhóm Đồng ấu Bạch Long trở thành Đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long, diễn một tuần đủ bảy ngày, mỗi ngày ba suất. Từ nay xuất hiện nhiều ngôi sao như Linh Tý (con đôi nghệ sĩ Linh Tâm - Cẩm Thu) chuyên diễn hài, Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Bình Tinh, Chấn Cường…

Bạch Long ngậm ngùi: “Lúc đó chúng tôi đâu phải đoàn hát chính thức mà chỉ là đội văn nghệ thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa quận 3. Vậy nên bị các đoàn cải lương khác thưa kiện hoài. Thêm vào đó tôi chỉ biết làm chuyên môn, không giỏi quản lý nên tiền bạc thất thoát. Rạp kín khách nhưng tiền thu không bao nhiêu. Buồn quá tôi nghỉ hát. Những đoàn hát đi thưa kiện mình trước kia giờ họ lại kéo đào kép chính của mình về hát cho họ”.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm