Bài học từ làm phim lịch sử

Mặc dù phim được chiếu tại Trung tâm Chiếu bóng Quốc gia và giá vé chỉ 40.000-50.000 đồng nhưng rạp phải thường xuyên hủy chiếu vì không có khán giả!

Đạo diễn phim, NSND Nguyễn Thanh Vân bảo do khâu quảng bá quá kém. Phim bỏ cả hàng chục tỉ đồng làm mà quỹ quảng bá chỉ có 50 triệu đồng. Và ông ví von:“Bỏ tiền may áo mà không dám bỏ tiền làm khuy nút”. Ông đạo diễn còn “đổ lỗi” cho thói quen của khán giả không thích xem dòng phim lịch sử Việt Nam. Thiết nghĩ đối tượng tuyên truyền về ý thức lịch sử, về lòng yêu nước, tự hào dân tộc… chính là những khán giả trẻ tuổi. Mà tuổi trẻ vốn thích sự sôi động, hấp dẫn. Trước khi phim này ra rạp, tôi chưa hề được nghe gì về bộ phim. Tôi cũng chưa được xem phim nhưng chỉ nghe cái tựa phim đã thấy có vẻ như làm để trả nợ cho xong chứ không phải làm để phục vụ người xem, nhất là những khán giả trẻ. Đâu nhất thiết phải để chữ “lịch sử” vào thì nó mới ra phim lịch sử!

Thế nhưng cả đạo diễn Nguyễn Thanh Vân lẫn phó cục trưởng Cục Điện ảnh cùng cho rằng bộ phim Sống cùng lịch sử đã hoàn thành sứ mệnh chính trị, xã hội. Ông đạo diễn lại còn khoe rằng “được vinh dự tham gia liên hoan phim Việt Nam tại Pháp trong chương trình dành cho phim “Điện Biên Phủ” của Pháp. Và Sống cùng lịch sử đã nhận được sự phản hồi khá xúc động từ khán giả Pháp. Thì ra đây là phim “cúng cụ”, làm để “hoàn thành nhiệm vụ”, để tham gia liên hoan và để cho khán giả Pháp xem!

Rất nhiều phim nước ngoài, cả phim nhựa lẫn phim truyền hình, cũng lấy đề tài lịch sử, như các bộ phim Tam quốc diễn nghĩa(làm nhiều lần) của Trung Quốc hay các phim về đề tài cuộc nội chiến của lịch sử Mỹ hấp dẫn, rất lôi cuốn khán giả Việt Nam. Mấy năm trước, bộ phim truyền hìnhVó ngựa trời Nam của hãng phim TFS, do Lê Cung Bắc đạo diễn, cũng là đề tài lịch sử về Nam Bộ kháng chiến nhưng cả tên phim lẫn cốt truyện cùng những pha hành động khá hấp dẫn người xem. Cả những khán giả trẻ chưa biết nhiều về cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân dân Nam Bộ cũng rất thích thú theo dõi bộ phim. Và diễn viên chính của phim - Huỳnh Đông - vốn là một gương mặt mới toanh sau đó đã nổi lên trở thành diễn viên ăn khách. Được biết kinh phí thực hiện mấy chục tập phim Vó ngựa trời Nam chỉ mấy tỉ đồng, chẳng thấm gì so với các bộ phim lịch sử chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Đó là các phim Lý Công Uẩn và Huyền sử thiên đô. Riêng phim Thái sư Trần Thủ Độ khá tốn kém cũng được làm trong dịp này nhưng dư luận không đồng tình phim này “chào mừng 1.000 năm Thăng Long”, vì chính Trần Thủ Độ là người đã diệt nhà Lý (triều đại lập nên kinh thành Thăng Long), chôn sống cả tôn thất nhà Lý và dựng nên nhà Trần.

Lý Công Uẩn là bộ phim về vị vua khai sáng nhà Lý, người đã dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010. Bộ phim tốn cả trăm tỉ đồng, được đem qua Trung Quốc quay nên “giống như phim Tàu” (nên được Tân Hoa xã khen quá xá). Phim sau đó bắt buộc phải sửa tới sửa lui nhiều lần nhưng vì “Tàu hóa” quá nhiều nên không thể sửa được, bèn xếp xó, mất toi 100 tỉ đồng. Phim Huyền sử thiên đô ngốn hết 60 tỉ đồng, hoàn thành chậm, không kịp chào mừng 1.000 năm Thăng Long nhưng an ủi là được VTV phát nhưng chỉ được 42 tập rồi ngưng luôn vì nhà đài “bị ép”, chiếu phim này không lấy được quảng cáo. Còn 30 tập phim Thái sư Trần Thủ Độ tốn 57 tỉ đồng nhưng chậm tiến độ đến hơn ba năm nên chỉ phát không cho các đài truyền hình nhưng nhiều nhà đài không muốn nhận!

Chỉ ba phim “chào mừng” này sơ sơ cũng ngốn hết hai trăm mấy chục tỉ đồng. Đó là chưa kể đến việc dựng phim trường làm phim lịch sử ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội tốn hết 100 tỉ đồng nhưng chỉ làm được hai phim Huyền sử thiên đô và Thái sư Trần Thủ Độ thì bỏ hoang phế. Những “lầu vàng, điện ngọc, cung son” được làm hết sức tạm bợ bằng ván ép, mút xốp… nên chỉ qua vài mùa mưa nắng đến nay những “cung điện” này đã xuống cấp, dột nát, te tua, tan hoang… Năm rồi tôi ra Hà Nội, anh bạn kiến trúc sư đưa đến tham quan phim trường Cổ Loa, khi về lòng quá đỗi ngậm ngùi, như khi viếng am thờ Mỵ Châu gần đo với pho tượng cụt đầu phủ tấm lụa vàng thờ trong am.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm