Mới đây, Sở TT&TT TP Hà Nội đã ban hành bộ tài liệu hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử khi tham gia môi trường mạng. Trong đó nội dung đáng chú ý là khuyên người dân khi tham gia môi trường mạng “không lập nhóm, lập hội để nói xấu, công kích lẫn nhau”. Khuyến cáo này nhận được sự đồng tình của số đông dư luận song cũng đặt ra lo ngại về tính hiệu quả của nó.
TS ĐẶNG HOÀNG GIANG, tác giả cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can:
Trên mạng hay ngoài đời đều không hay
Tôi thường xuyên nhắc nhở con cái không tụ tập để nói xấu sau lưng người khác. Nếu phê bình hay bày tỏ sự không đồng tình của mình với hành vi của người đó thì không sao, còn chuyện nói xấu, bôi nhọ mà không có cơ sở hoặc không giúp ích được gì cho việc cải thiện hành vi của người đó thì dù trên mạng hay ngoài đời cũng đều không hay.
Theo tôi, việc lập nhóm nói xấu dù là ở đâu thì cũng không có tác dụng khiến con người hay môi trường đó tốt đẹp hơn.
Nhà văn ĐỖ PHẤN:
Khó có tác dụng trên phạm vi rộng
Tôi cho rằng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử trên mạng nếu áp dụng trong các công sở, đối tượng là các công chức, viên chức của các sở, ngành thì sẽ dễ có tác dụng hơn. Đối với phạm vi rộng hơn thì sẽ khó để người dân tiếp cận và thực hiện. Thật ra nếu người dân có hành xử không phù hợp thì pháp luật đã có những điều chỉnh cụ thể được quy định trong luật nên khuyến cáo này có lẽ không quá cần thiết.
NGUYỄN THỨC, kinh doanh tự do:
Ra quy định thì phải tuyên truyền
Theo tôi, cần tuyên truyền rộng hơn về trách nhiệm của mỗi cư dân mạng trước pháp luật. Ví dụ, nếu có hành vi nói xấu, thóa mạ ai đó thì họ có thể bị nạn nhân kiện ra tòa.
Hiện nay rất nhiều dạng thông tin ảo, tin xấu được lan truyền rầm rộ trên mạng. Vì thế, mọi động thái như ban hành bộ quy tắc này cũng là điều tích cực. Tuy nhiên, ra khuyến cáo thì phải tuyên truyền mạnh để tăng nhận thức của người dân lên. Như chúng tôi vẫn nói với nhau: Like có trách nhiệm, share có lương tâm…
Nghị định 174/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định rõ: Đối với cá nhân cung cấp các thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm cá nhân trên Internet, mạng xã hội bị phạt tiền 20-30 triệu đồng; mức phạt cho tổ chức vi phạm là 30-50 triệu đồng. |
Luật sư BÙI ĐÌNH ỨNG, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Quyền và trách nhiệm người dùng mạng
Người dân khi tham gia mạng xã hội phải có nhận thức riêng của mình, có kỹ năng phân tích, đánh giá cũng như bộ lọc thông tin, không chạy theo tâm lý đám đông một cách không kiểm soát.
Tuy nhiên, chính quyền cũng không nên khuyến cáo người dân tham gia hay không tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội vì đó là quyền của họ. Việc này chỉ nên triển khai, áp dụng trong nội bộ các cơ quan chứ không thể yêu cầu đối với tất cả công dân.
Bên cạnh quyền thì khi tham gia mạng xã hội, công dân phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình dù là trong môi trường ảo. Nếu lợi dụng mạng xã hội để nói xấu, xúc phạm người khác hoặc đả kích chính quyền… thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Sở TT&TT TP Hà Nội vừa ban hành tài liệu gửi các sở/ ngành, quận/huyện, xã/phường hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử khi tham gia môi trường mạng. Bộ tài liệu khuyên công dân khi tham gia môi trường mạng không lập nhóm, lập hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác; không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác. Đồng thời không cổ súy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án như trào lưu “bóc phốt”, “tung clip nhạy cảm”, “đủ like là làm”… Ngoài ra, công dân nên lan tỏa những thông tin, hình ảnh đẹp về các hoạt động xã hội, phê phán cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới những thông điệp nhân văn. Một số trường hợp tung tin bôi nhọ, bịa đặt trên mạng . Năm 2017, NTNg (26 tuổi, Đà Nẵng) vì muốn câu like trang mạng bán hàng online của mình đã bịa thông tin về một nhóm tám người thực hiện ít nhất hai vụ bắt cóc trẻ em tại quận Liên Chiểu. Ng. còn kể chi tiết chuyện một người mẹ bị “cướp” con ngay khi đang ngồi trên xe máy và một phụ nữ bịt mặt bế cháu bé đi khỏi nơi vui chơi. Nhiều tài khoản đã dẫn lại khiến nhiều người dân hoang mang. Công an khẳng định không có vụ bắt cóc nào xảy ra trên địa bàn. . Năm 2016, cô giáo MH (Long An) tung tin đồn về việc học trò mình suýt bị bắt cóc tại chợ Tầm Vu. Cô H. cho biết chỉ muốn đưa ra câu chuyện để cảnh báo phụ huynh nhưng không ngờ sự việc đi quá xa. . Năm 2014, trên trang Facebook cá nhân mang tên “Quảng Bình quê ta ơi” chia sẻ câu chuyện một thanh niên đi ô tô Camry qua địa bàn ven biển thuộc xã Quang Phú (TP Đồng Hới) và va chạm với một ô tô tải. Sau đó, tài xế xe Camry xuống xe, rút súng bắn chết hai người đi trên xe tải rồi bỏ trốn. Câu chuyện được chia sẻ rất rầm rộ. Người đã “sáng tạo” kịch bản trên với mục đích làm chuyện để ý là NĐS (21 tuổi, trú tại TP Đồng Hới). . Năm 2013, Công an TP Đà Nẵng đã tiếp nhận đơn cầu cứu của chị NTPT (TP Đà Nẵng). T. bị trang Facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” đăng bài lăng mạ với những lời lẽ tục tĩu, bêu xấu. Facebook này còn có hành vi tương tự với khoảng 50 nữ sinh các trường ở khu vực trung tâm Đà Nẵng và nhận được hơn 16.000 lượt thích (like). Tất cả trường hợp trên đều đã bị xử phạt hành chính. |