Thủy tùng trăm năm tuổi bị đốn hạ; Thủy tùng 500 tuổi bị cưa trộm; Cụ thủy tùng tiền tỉ bị cưa trộm; Gỗ thủy tùng hiếm, đắt đến mức độ nào?... là những tít bài rầm rộ cho vụ mất trộm cây thủy tùng tại xã Ea Ral, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) do Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đắk Lắk quản lý.
Các bài viết đi vào phân tích, mổ xẻ độ quý hiếm, công dụng của cây gỗ thủy tùng - loài cây được cho xuất hiện cùng thời kỳ khủng long ở “kỷ băng hà”.
Cây thủy tùng.
“Nghĩa địa thủy tùng”
Cây thủy tùng xuất hiện có thể cả trăm triệu năm trước. Nó có thể hiếm nhưng gỗ thì có gì là quý, là đặc biệt đâu! Giờ người ta đã cấy mô, nhân giống trồng đại trà ở Đắk Lắk rồi.
Vì sao thủy tùng trở nên hiếm? Xin quay về khoảng 30-40 năm trước, những người làm trong ngành lâm nghiệp, những già làng ở Tây Nguyên đều khẳng định thủy tùng mọc bạt ngàn tại Ea H’leo, Krông Năng...
Sau năm 1975, các quần thể thủy tùng ở Ea Ral (Ea H’leo), Ea Hồ (Krông Năng) bị đốn hạ hàng loạt phục vụ cho phát triển thủy lợi.
Các đầm lầy Ea Ral, Ea Hồ trở thành “nghĩa địa thủy tùng”. Những vùng này chỉ còn lác đác vài trăm cây và thủy tùng nằm trong danh sách tuyệt chủng.
Lần đứng trước nguy cơ tuyệt chủng lần thứ nhất của thủy tùng bắt đầu.
Do ai mà chúng tuyệt chủng? Câu hỏi không cần câu trả lời nhưng ai cũng biết.
Khi làm thủy lợi, những rừng thủy tùng trở thành "nghĩa địa thủy tùng" chìm sâu dưới nước...
Hiếm thì có nhưng quý thì chưa chắc!
Theo các già làng Tây Nguyên, thủy tùng rất to, cây cao hàng chục mét. Người đồng bào nơi đây thấy cây to, tín ngưỡng tôn thờ là Yàng.
Thủy tùng họ thông, thân mềm, dân chẳng bao giờ chặt làm nhà. Nếu có chặt, người đồng bào cũng làm lễ cúng, xin Yàng cho chặt một vài cây chỉ đủ phục vụ nhu cầu. Thủy tùng chặt về cũng chỉ để làm bờ rào, bờ thửa, làm ván lát sàn nhà…
Quay lại cách đây hơn chục năm về trước, lác đác trên một vài tờ báo có bài viết về thủy tùng. Trong đó, có báo viết bài hoành tráng, dài kỳ về loại cây xuất hiện từ thời tiền sử này. Có bài phân tích về công dụng của gỗ thủy tùng nào có khả năng chữa ung thư, trừ tà ma, xua đuổi muỗi... mà tuyệt nhiên chẳng dựa trên nghiên cứu khoa học nào.
Cơn sốt gỗ thủy tùng như căn bệnh dịch lây lan và người ta truy lùng, đào bới “nghĩa địa thủy tùng” lấy từng cái rễ đến thân, cành cây đã chết; đua nhau chặt hạ cây đang sống…
Hầu hết gỗ thủy tùng rơi vào dân chơi gỗ, quan chức, bọn nhà giàu. Gỗ thủy tùng thổi lên tiền tỉ, dân nghèo thì đi đào, bới, chặt kiếm tiền; cơ quan quản lý thì kiểm tra, đuổi bắt đến náo loạn một thời gian dài.
Quần thể thủy tùng tại huyện Ea H’leo, Đắk Lắk.
Những núi thủy tùng dầm mưa dãi nắng
Có thời điểm, tại các hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, huyện Ea H'leo, gỗ thủy tùng (đặc biệt là gốc, thân thủy tùng đã chết được đào lên từ các ao sình Ea Ral, Ea Hồ, to 3-4 người ôm) chất cao như núi.
Hạt Kiểm lâm các huyện phải làm báo cáo xin tỉnh cho bán thanh lý vì gỗ thủy tùng để chiếm hết trụ sở, không còn chỗ để cất giữ các loại gỗ vi phạm khác. Mặt khác, gỗ thủy tùng để lâu ngoài trời bị mục, xuống cấp, mất giá trị. Tuy nhiên, việc đề xuất bán thanh lý đã không được chấp nhận vì gỗ thủy tùng thuộc nhóm IA, nguy cấp, cấm khai thác, buôn bán, vận chuyển dưới mọi hình thức!
Các “núi thủy tùng” tại các hạt Kiểm lâm Ea H'leo, Krông Năng nằm dầm mưa dãi nắng suốt một thời gian dài để thử... độ tốt của gỗ.
Bẵng đi một thời gian, khi tỉnh Đắk Lắk xây trụ sở HĐND, UBND mới, tỉnh xin đưa các núi thủy tùng này về tận dụng cắt xẻ làm một số hạng mục trong trụ sở. Đề nghị này cũng không được chấp nhận và các “núi thủy tùng” tiếp tục phơi nắng dầm mưa.
Sau một thời gian, các “núi thủy tùng” này cũng được bán thanh lý.
Thủy tùng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng lần thứ hai.
Những "núi thủy tùng" ở các hạt kiểm lâm.
Và nguy cơ tuyệt diệt
Để bảo vệ những cây tiền sử, nhà dân nào lỡ may có cây mọc, nằm gần nhà thì được thuê “ôm” cây giữ với mức thù lao khá hậu hĩnh. Tuy nhiên, để nhận được khoản tiền này, người dân cũng phải mất ăn, mất ngủ với bọn “thủy tùng tặc”.
Mặt khác, một “ban quản lý thủy tùng” cũng nhanh chóng được thành lập với đủ ban bệ, thành phần dây chạc. Tiền tỉ lại được đổ vào để bảo vệ cây tiền sử và để trả lương…
Thủy tùng tưởng thế được yên thân nhưng nó thi thoảng lại bị “làm thịt”.
Gỗ thủy tùng được chế tác thành độc bình, tạc tượng…
Sau một thời gian thì thủy tùng cùng với gỗ sưa làm cho bọn nhà giàu bội thực, chúng bị đưa ra khỏi thực đơn nên tạm yên.
Nào ngờ mới đây lại có bọn trộm tùng, tạo cớ cho người ta “xới” lại cái sự quý, cái sự hiếm và cả cái sự phù phiếm của thủy tùng. Thủy tùng vì vậy lại bị đẩy vào nguy cơ tuyệt chủng lần thứ ba.
Thủy tùng em ôi, lạng quạng em tuyệt chủng thiệt trăm phần trăm chứ chẳng chơi!
Cây nào cũng đẹp, cũng quý khi nó đứng trong quần thể xanh tươi ở núi sâu rừng thẳm; cầm bằng đẵn chúng mang về đẽo gọt dù để ở chốn thư phòng hay nơi đài các xa hoa thì xét cho cùng, chúng chỉ là thứ vô tri vô giác, chỉ mua vui kẻ nhìn trong chốc lát mà thôi.