Liên tiếp những vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua, mới nhất là vụ việc “Nam sinh bóp cổ, đánh bạn tới tấp trong lớp học ở TP.HCM” về một nam sinh lớp 9 tại trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) có hành vi bóp cổ, đánh bạn. Trước tình hình đó, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh đã có báo cáo về sự việc và chỉ đạo xử lý nghiêm.
Bình luận về vấn đề này, bạn đọc tiếp tục bày tỏ bức xúc và lo ngại về sự an toàn trong trường học. Đồng thời, một số bạn đọc cũng đề xuất giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn trên.
Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực
Từ phương diện một phụ huynh có con học lớp 8, bạn đọc Minh An chia sẻ: “Quá nguy hiểm! Bạn bè cùng lớp mà giải quyết mâu thuẫn một cách hung tợn, không khác gì côn đồ. Tôi lo rằng con mình có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường”.
“Bây giờ, nhiều em xem việc đánh nhau, ức hiếp bạn bè như một cách phô trương sức mạnh, uy quyền. Có em không kiềm chế được cơn nóng giận hoặc bị bạn bè xúi giục, thách thức mà lao vào nắm tóc, xé quần, xé áo, bóp cổ nhau. Một số học sinh cá biệt không sợ bị khiển trách, kỷ luật nên tình trạng này càng thêm trầm trọng” - Bạn đọc Lê My viết.
Trái ngược với những bình luận gay gắt về vụ việc nam sinh đánh bạn, bạn đọc Nguyễn Thanh Tâm bày tỏ: “Sự việc đã xảy ra và nhà trường cũng xem xét hình thức kỷ luật nam sinh đó rồi. Câu chuyện sau đó như thế nào để đừng đẩy một đứa trẻ từ sai lầm nhỏ mà sa lầy, đánh mất tương lai. Tôi mong mọi người bao dung, có cái nhìn rộng và xa cho các cháu”.
Cần dạy trẻ tôn trọng người khác
“Tôi kiến nghị nâng mức kỷ luật học sinh vi phạm và cả những học sinh có hành vi tiếp tay, lôi kéo, xúi giục, bao che cho bạo lực, bắt nạt. Tôi cho rằng nên có thêm một số hình thức kỷ luật khác như lao động công ích, dọn vệ sinh trường lớp, tham gia các lớp bồi dưỡng đạo đức …” - Bạn đọc Trang Mỹ viết.
Bạn đọc Đỗ Trung bình luận: “Tôi đề xuất nhà trường nên sắp xếp các buổi chuyên đề về kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, mời chuyên gia tâm lý đến trao đổi, tư vấn, giúp các em hiểu rõ tâm lý tuổi dậy thì và có nhận thức đúng đắn về hành vi của mình. Bên cạnh đó, nên thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, gắn kết tình đoàn kết giữa các học sinh”.
Từng bị bắt nạt thời cấp 3, bạn đọc Lan Nhi nêu: “Nhiều em bị bạn học cô lập, ức hiếp, đánh đập, trấn lột tiền nhưng lại không báo cho giáo viên hoặc phụ huynh mà lặng lẽ chịu đựng. Tôi mong rằng thầy cô giáo, cha mẹ hãy quan tâm nhiều hơn đến các em, khuyến khích, động viên các em tố cáo hành vi bạo lực để có được sự hỗ trợ kịp thời”.
“Cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con cái, do vậy, nếu cha mẹ thường xuyên dạy dỗ bằng đòn roi, vũ lực thì con có thể bắt chước. Theo tôi, phụ huynh nên tạo môi trường lành mạnh, yêu thương, văn minh trong gia đình. Cần giáo dục con tránh xa bạo lực, kiềm chế cảm xúc khi tức giận, đối xử tử tế và tôn trọng người khác” - Bạn đọc Mỹ Lan.