3 giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường

(PLO)- Khi xem những hình ảnh bạo lực học đường, bất kỳ ai cũng đều thấy quá đau xót!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, nhiều vụ đánh nhau của các em học sinh được lan truyền trên mạng xã hội. Đa số đều là các em học sinh cùng nhau đánh hội đồng một học sinh khác, việc này dẫn đến tâm lý lo sợ cho người bị đánh và cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Một số bạn đọc lo ngại việc đánh nhau lại được lan truyền trên mạng xã hội có thể sẽ khiến những học sinh khác học theo hành vi xấu này.

Liên tiếp xảy ra bạo lực học đường

Mới đây, như PLO đã thông tin "Nữ sinh Thanh Hóa bị nhóm bạn đánh hội đồng ở công viên". Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện 2 đoạn clip ghi lại cảnh 1 nữ sinh bị một nhóm học sinh quây lại đánh hội đồng.

Theo đó nhóm học sinh vây quanh túm tóc, đấm đá liên tục vào người nữ sinh N. Tại thời điểm, một số học sinh chứng kiến sự việc đã đứng ra can ngăn, tuy nhiên nhóm nữ sinh này vẫn tiếp tục túm tóc và đánh đập em N.

2 đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người phẫn nộ với hành động của nhóm học sinh tham gia đánh hội đồng.

bao luc hoc duong.jpg
Nữ sinh lớp 8 ở TP Thanh Hóa bị nhóm bạn đánh hội đồng vào ngày 8-10. Ảnh cắt từ clip

Tương tự, ngày 7-9 PLO cũng thông tin vụ việc "Vụ 5 nữ sinh đánh hội đồng: Người lớn cần quan tâm hơn nữa". Cụ thể, trưa 4-9, tại địa bàn ấp 5, xã Vị Đông cách trường THCS Vị Đông hơn 1km, năm nữ sinh gồm NTN, NTYN, NTBT, TTT, LTCD, tất cả đều là học sinh của trường THCS Vị Đông đã chặn đường đánh em NTHN, học lớp 6 cùng trường.

Tại đây, em CD đánh bằng mũ bảo hiểm, các em còn lại dùng tay đánh em HN. Riêng YN và TN thay phiên nhau dùng điện thoại quay clip và gửi cho một số bạn. Sau đó, đoạn clip được đưa lên mạng xã hội.

"Do sự việc xảy ra trên đoạn đường vắng và xa trường, không học sinh nào báo lại nên ban giám hiệu, giáo viên và nhân viên của trường không nắm được ngay thông tin vụ việc" - báo cáo thể hiện.

Đến ngày 5-9, gia đình của em HN đã làm đơn gửi lên Công an xã Vị Đông trình báo. Đồng thời trong sáng cùng ngày, gia đình nữ sinh cũng báo vụ việc đến nhà trường. Ngày hôm sau, Công an xã Vị Đông phối hợp với nhà trường mời phụ huynh và các em học sinh đánh bạn lên làm việc.

Các giải pháp cần có để phòng chống bạo lực học đường

Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý ThS. Trần Xuân Ba (Giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải, phân hiệu tại TP.HCM, Bí thư Đoàn trường) nhận định: Việc phòng chống bạo lực học đường là một nhiệm vụ quan trọng, vì những vấn nạn này làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là người bị bạo lực và người sử dụng bạo lực là rất lớn và lâu dài. Khi xem những hình ảnh bạo lực học đường, bất kỳ ai cũng đều thấy quá đau xót.

Mặc dù thỉnh thoảng xuất hiện ở một vài nơi, tuy nhiên với sự chia sẻ không kiểm soát trên không gian mạng qua nhiều tình tiết thêm thắt, những nhận định vô cảm chỉ vì mục đích “câu view, câu like” sẽ làm cho sự việc đi xa hơn, nghiêm trọng hơn. Việc xuất hiện ở nhiều bậc học, với nhiều nguyên nhân và hình thức, mức độ khác nhau cũng đáng quan tâm.

Theo ThS Ba, ngăn chặn bạo lực học đường luôn là sự quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình và cả xã hội, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu bài bản, khoa học và sự quyết tâm, thực hiện một cách có hệ thống thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức, phong phú đa dạng hơn. Ba giải pháp cụ thể cần được quan tâm là:

- Gia đình, đặc biệt là cha mẹ hãy luôn là những người bạn, những tri kỷ sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe thấu hiểu các em. Thực tế có rất nhiều em bị bắt nạt mà không dám nói cùng ai dẫn đến sự việc ngày càng nghiêm trọng. Gia đình hãy là những tấm gương sáng, kịp thời định hướng cho các em đạt đến những điều tốt đẹp. Vì vậy gia đình cũng cần có kỹ năng, kiến thức, có thể dạy các em thông qua các chương trình, các lớp tập huấn, các buổi chia sẻ,...

- Nhà trường chính là nơi các em học sinh được cùng nhau học những điều tốt, được phát triển bản thân, nên cần xây dựng môi trường đạt chuẩn cả về cơ sở vật chất, cả về đội ngũ tập thể sư phạm. Từ đó có thể giúp các em có nơi học tập và rèn luyện tốt, phát triển kiến thức và tinh thần cũng như kịp thời phát hiện hay xử lý hiệu quả các vụ việc.

- Về xã hội thì các cơ quan liên quan nên quan tâm, đầu tư bàn nhiều giải pháp để giáo dục được tốt hơn, phòng hơn chống. Cần có sự quản lý và xử lý nghiêm khắc việc lợi dụng truyền thông để vụ lợi cá nhân. Làm sao để khi xảy ra những hiện tượng như vậy thì người dùng dùng mạng xã hội hiểu rằng mình không nên chia sẻ theo cảm tính; chia sẻ để câu view, câu like.

Cũng cần thấu hiểu, chia sẻ giúp đỡ động viên nạn nhân cũng như cần tránh làm áp lực thêm lên các bạn đã có những hành vi sai, từ đó giáo dục các em đi theo con đường đúng.

Bạo lực học đường không thể thành trào lưu

Tình trạng bạo lực học đường hiện nay chắc chắn không thể gọi là trào lưu được và cũng sẽ không trở thành trào lưu. Bên cạnh các em còn có gia đình, nhà trường, xã hội và chính các em cũng sẽ từ từ nhận thức được việc đó là không đúng đắn. Sự phát triển của truyền thông, cũng sẽ có nhiều tác động tích cực trong việc giáo dục, định hướng cho các em, gia đình và xã hội.

Chuyên gia tâm lý ThS. Trần Xuân Ba.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm