Cắt tóc tại nhà giữa mùa dịch COVID-19: Coi chừng bị phạt!

Dịch COVID-19 ghê thật, không làm ăn gì được. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, tôi phải đóng cửa tiệm hớt tóc. Tuy nhiên, tiền thuê mặt bằng hằng tháng tôi vẫn phải trả đủ” - ông Thành (38 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ.

Nhóm thợ đến nhà khách để cắt tóc dù bị cấm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tới nhà cắt tóc cho khách để có thu nhập

Ông Thành thổ lộ: “Nhiều khách quen gọi điện thoại nhờ tôi tới tận nhà cắt tóc, thêm tiền xăng xe. Tuy nhiên, tôi đang lưỡng lự, không biết làm vậy có sai quy định không”.

Tương tự, ông Minh (36 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng phải đóng cửa tiệm cắt tóc theo đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM về phòng chống dịch COVID-19.

“Do tiệm khá lớn nên tôi phải thuê ba thợ cắt tóc. Trước đây mỗi ngày tiệm tôi tiếp ít nhất 30 khách cắt tóc, gội đầu nên thu nhập ổn định, tiền thuê mặt bằng trả đầy đủ. Sau khi tiệm đóng cửa, ba thợ cắt tóc mặc dù không còn việc làm nhưng tôi vẫn phải hỗ trợ tiền ăn uống hằng ngày. Tôi đánh tiếng mong chủ nhà bớt chút tiền mặt bằng nhưng chưa thấy động tĩnh gì” - ông Minh chặc lưỡi.

Một số khách quen gọi điện thoại bảo ông Minh cho thợ tới tận nhà cắt tóc. Đánh liều, ông Minh cho thợ đi. “Thật tình tôi không biết làm vậy là đúng hay sai. Cho thợ tới nhà khách cắt tóc nhưng bụng tôi cứ lo lo, sợ chính quyền địa phương biết rồi xử phạt, dù nhân viên của tôi và cả khách luôn tuân thủ 5K” - ông Minh nói.

Cùng hoàn cảnh, bà Mai (40 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) cũng phải đóng cửa tiệm uốn tóc, làm móng cả tuần nay. “Tiền ăn học, tiền quần áo cho cả nhà dựa vào tiệm uốn tóc và làm móng này. Hổm rày đóng cửa nên chi tiêu có phần thiếu hụt. Thông thường tiền thuê nhà phải trả đầu tháng. Hôm nay ngày 3 rồi nhưng chưa đủ tiền nên tôi nói chủ nhà thư thư ít bữa. Tình hình này kéo dài thì căng” - bà Mai lắc đầu.

Vài khách quen gọi điện thoại nói bà Mai tới nhà làm móng tay, móng chân. Ngoài tiền công, khách thêm chút tiền xăng xe. “Tôi dò hỏi người này, người nọ thì được biết tới nhà làm móng cho khách là vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19. Không biết họ nói vậy có đúng không nhưng tôi không dám nhận lời cho yên chuyện đã” - bà Mai nói.

Hành nghề làm móng dạo hơn sáu năm nên bà Châu (42 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) có nhiều mối ruột. Do không có tiệm cố định nên bà Châu chẳng mấy lo lắng khi nghe tin UBND TP.HCM buộc đóng cửa tiệm cắt tóc, làm móng.

“Do làm lâu nên tôi nắm rõ chu kỳ đến ngày tới nhà làm móng cho khách. Trong mùa dịch này, tôi nghĩ cơ quan chức năng chỉ cấm những người có tiệm uốn tóc, làm móng. Riêng những người làm móng dạo như tôi chắc không cấm. Vì vậy, tôi vẫn tới nhà làm móng cho khách như trước đây” - bà Châu không giấu giếm.

Sẽ bị phạt!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19. TP.HCM quy định khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai người là 2 m.

“Đứng xa 2 m thì không thể cắt tóc hoặc làm móng. Do đó, đến nhà cắt tóc hoặc làm móng cho khách là vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19” - ông Tâm cho biết thêm.

Theo ông Tâm, TP.HCM cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động của các cơ sở làm đẹp (cắt, uốn tóc nam, nữ, làm móng…). “Do vậy, tới nhà khách để cắt tóc, làm móng đồng nghĩa cơ sở vẫn đang hoạt động. Việc làm này vi phạm quy định” - ông Tâm nói.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho rằng người cắt tóc, làm móng có cơ sở cố định hoặc làm dạo đến nhà khách để cắt tóc, làm móng là sai quy định phòng chống dịch COVID-19 do UBND TP.HCM ban hành.

“Phát hiện điều này, chính quyền địa phương có thể phạt theo Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” - bà Mai nói.

Một điều đáng lưu ý, nếu người cắt tóc hoặc làm móng làm lây lan dịch bệnh COVID-19 còn có thể bị xử lý hình sự vì đã cấm mà còn hoạt động lén lút, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho biết họ rất chia sẻ với người dân về việc phải hy sinh quyền lợi trước mắt là ảnh hưởng đến mưu sinh nhưng rất mong bà con chấp hành nghiêm quy định để cùng chung tay phòng chống dịch.•

 

Phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng

Điểm c khoản 2 Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có nội dung: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt dành cho cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm