Tôi bán hàng cho một người nước ngoài sống ở Anh nhưng người đó chưa trả hết tiền, còn thiếu hơn 500 triệu đồng. Qua email trao đổi thì người đó hứa trả cho tôi nhưng gần một năm trôi qua, người đó vẫn chưa trả (cũng không trả lời email của tôi nữa). Tôi có thông tin địa chỉ và passport của người đó nhưng tạm thời không có điều kiện để sang Anh đòi nợ. Có cách nào để tôi kiện người đó ở Việt Nam để đòi nợ không?
Hồng Anh (honganh915@gmail.com)
Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời: Do bạn không nói rõ là việc mua bán hàng hóa giữa bạn với khách hàng người Anh có thỏa thuận về Luật áp dụng và lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi xảy ra tranh chấp hay không? Vì vậy tôi có thể tư vấn cho bạn hai trường hợp như sau:
Một là: Nếu hai bên có thoả thuận thì theo sự thỏa thuận giữa các bên. Chẳng hạn, hai bên lựa chọn Luật áp dụng là pháp luật của nước Anh và cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore ("SIAC") thì việc tranh chấp này sẽ thuộc thẩm quyền của “SIAC”.
Hai là: Nếu hai bên không có thỏa thuận về luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp thì bạn có quyền khởi kiện tại tòa án Việt Nam theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Thẩm quyền sẽ thuộc về tòa án cấp tỉnh nơi bạn cư trú do vụ án này có yếu tố nước ngoài.
Sau khi thụ lý, tòa án đã thực hiện việc ủy thác tư pháp thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan tiến hành tố tụng dân sự của nước ngoài có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc cùng Việt Nam gia nhập điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này (cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài là Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán; cơ quan tiến hành tố tụng dân sự ở nước ngoài là Tòa án nước đó).
Theo khoản 2 Điều 15 Thông tư liên tịch số 15/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao về về xử lý kết quả ủy thác tư pháp cho người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài gồm có các trường hợp:
- Trường hợp tòa án nhận được kết quả thực hiện ủy thác của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo việc tên, địa chỉ, thông tin cá nhân của người cần tống đạt không đúng hoặc người cần tống đạt đã chuyển đến địa chỉ mới nhưng không rõ địa chỉ mới hoặc người cần tống đạt vắng mặt tại địa chỉ mà không rõ thời điểm trở về, thì tòa án tiếp tục tiến hành ủy thác tư pháp lần thứ hai nếu xác minh được đúng địa chỉ, tên và thông tin cá nhân chính xác của đương sự ở nước ngoài.
- Trường hợp việc thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài vẫn không có kết quả mặc dù Tòa án đã tiến hành mọi biện pháp để xác minh địa chỉ, tên và thông tin cá nhân của đương sự ở nước ngoài nhưng vẫn không xác định được thông tin chính xác thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Trường hợp Tòa án nhận được kết quả thực hiện ủy thác của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo về việc người được tống đạt đã nhận được văn bản ủy thác tư pháp hoặc người được tống đạt từ chối nhận, thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp thì Tòa án tiến hành giải quyết vụ việc theo thủ tục chung.
- Trường hợp vụ việc dân sự không thể thực hiện được việc ủy thác tư pháp do Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế hoặc không áp dụng được nguyên tắc có đi có lại, thì tòa án đã thụ lý vụ việc tiến hành thủ tục niêm yết công khai hồ sơ ủy thác tư pháp tại trụ sở Tòa án, UBND cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự được ủy thác tư pháp (nếu có) trong thời hạn sáu tháng và đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương (kênh sóng dành cho người nước ngoài) ba lần trong ba ngày liên tiếp. Nếu hết thời hạn này mà không có tin tức của đương sự ở nước ngoài thì tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung.
Như vậy, tuỳ theo việc kết quả ủy thác tư pháp cho người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài mà tòa án giải quyết vụ án theo quy định nêu trên. Bạn có thể tham khảo các trường hợp trên để áp dụng cho việc của mình.