Ý tưởng này xuất phát từ chuyến đi thực tế của bạn Võ Thùy và Thanh Lâm cùng một mạnh thường quân đến thăm gia đình Trâm dịp đầu năm.
Tại đây, các bạn trẻ đã không thể tưởng tượng nơi được mệnh danh là đảo ngọc lại có hoàn cảnh thương tâm đến vậy. Nơi bốn bà cháu Trâm tá túc là một căn nhà cũ nát do chủ bò thương tình cho mượn.
Các bạn trẻ đến thăm gia đình em Sơn Thị Trâm (bìa phải).
Đường vào nơi ở của mấy bà cháu quanh co, khúc khuỷu như chính cuộc đời của họ. Nước ngọt không có, điện thì kéo nhờ người ta 1 bóng đèn đủ chị em Trâm học bài.
Ba Trâm bỏ mẹ con em từ nhỏ - em bảo giờ cũng không còn nhớ mặt ba như thế nào. Từ khi ba bỏ đi ba mẹ con sống nương nhờ bà ngoại. Ông ngoại cũng mất lâu rồi. Vốn là người dân tộc Khơme ở vùng miệt thứ, từ An Biên - Kiên Giang bốn bà cháu mẹ con dắt nhau qua Phú Quốc đi chăn bò thuê.
Đàn bò 60 con, 4 bà cháu nhận chăn với 7 triệu đồng/tháng. Trâm đi học 1 buổi, buổi còn lại đi chăn bò cùng ngoại. Em mang sách vở theo học cả lúc đi chăn bò. Để kiếm tiền mua sách vở, những hôm đi chăn bò Trâm đem theo cái bao để... nhặt phân bò khô về bán.
Cô Nguyễn Thị Lợi - giáo viên chủ nhiệm của Trâm cho biết em học không thực sự giỏi nhưng em có một nghị lực mà không ai có được. Ban giám hiệu nhà trường biết hoàn cảnh của Trâm cũng dành cho em những phần hỗ trợ khi vận động được.
Trong ngôi nhà xiêu vẹo sát vách chuồng bò ẩm thấp, bà ngoại Trâm kể cho chúng tôi nghe những tháng năm chăn bò mướn của mấy bà cháu. Quản đàn bò 60 con như một đội quân là việc quá sức của bốn bà cháu Trâm nhưng phải làm. Bệnh cũng phải lùa bò đi chăn, nếu không chủ trừ tiền thì lấy gì mua gạo.
Ngoại Trâm đã 70 tuổi mà tưởng như đã già hơn cái tuổi đáng lý ra được nghỉ ngơi này nhiều lắm. Dáng ngồi khắc khổ, đôi bàn chân tay chằng chịt những vết cắt chai sần lên vì năm tháng. Bà bảo đời bà coi như xong, chết dễ lắm chỉ sợ bà chết đi rồi chị em Trâm nương tựa vào ai? Bà chỉ ước ao cháu mình học hết lớp 12 và kiếm cái nghề gì đó học để nuôi bản thân, thoát kiếp chăn bò như bà.
4 bà cháu thuộc diện tạm trú, không có hộ khẩu nên không được hưởng chế độ hộ nghèo. Trâm đến tuổi làm thẻ CMND mà không được.
Bàn bạc với nhau, thầy giáo của Trâm quyết định sẽ đứng ra làm thủ tục cắt khẩu ở quê và nhập khẩu cho Trâm để em có thể làm CMND.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, nhóm đã quyết định sẽ mua cho Trâm 1 con bò giống để Trâm nhập với đàn bò mình đang chăn mướn. Có con bò, Trâm sẽ hòa đàn chung với đàn bò mà mình đang chăn thuê, tranh thủ chăm sóc con bò của mình. Rồi con bò sẽ sinh ra bò con. Ba năm sau khi Trâm vào đại học hay cao đẳng, những con bò ấy sẽ là nguồn kinh phí để em đeo đuổi việc học.
Nghĩ là làm nhưng lấy đâu ra tiền để mua bò? Đi xin, vận động các nhà hảo tâm hay làm cái gì đó để kiếm tiền? Bàn bạc, thảo luận mãi nhóm quyết định sẽ bán hoa hồng nhân dịp 8-3. Kế hoạch được lên tỉ mỉ, phân công rõ ràng với mục tiêu thu được khoảng 15 triệu đồng để đủ mua một con bò cái giống.
Khi các bạn đọc bài viết này, nếu có bắt gặp những bạn trẻ trên đảo Ngọc Phú Quốc mời bạn mua một đóa hồng tặng người phụ nữ bạn yêu thương, xin bạn đừng từ chối, bởi một đóa hồng bạn mua là cả ước mơ, cuộc đời của một cô học trò nghèo đang chèo chống với khó khăn để thay đổi số phận...