Hai đội hòa nhau 0-0 trong 120 phút thi đấu gồm cả hai hiệp phụ nên phải bước vào loạt “đấu súng”. Nếu tại Euro 2016, Ronaldo cùng đồng đội vượt qua được Ba Lan trong loạt “đấu súng” kinh điển thì tại bán kết Confederations Cup, Ronaldo và các đồng đội phải sững sờ nhìn người hùng của đối phương là thủ môn 33 tuổi Bravo xuất sắc chặn đứng cả ba quả sút đầu của Bồ đào Nha.
Dù Ronaldo không có cơ hội được đá luân lưu nhưng đây là trận đấu mà anh chơi thật mờ nhạt do bị các cầu thủ Chile phong tỏa bắt bài. Cả trận anh có được ba cơ hội sút phạt, bắt vô lê và đánh đầu nhưng tất cả đều không gây nguy hiểm.
Tuyến trên thì Ronaldo tịt ngòi, không xoay xở được trong khi tuyến dưới thủ môn Patricio trong một pha cứu bóng đã đâm đầu vào cột dọc bị chấn thương nhẹ và điều này chắc chắn đã ảnh hưởng đến loạt đá luân lưu cuối trận.
Trong khi Ronaldo tịt ngòi trong một ngày tệ hại thì thủ môn Bravo của Chile lại trở thành người hùng đưa Chile vào chung kết. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngược lại thì Chile càng đá càng hay, khi bước vào hiệp phụ Chile còn tỏ ra lấn lướt với Vidal một lần sút dội cột và M. Rodriguez đưa bóng dội xà. Đó là chưa kể họ còn bị trọng tài bỏ qua một quả phạt đền ở phút 112 khi F. Silva bị giẫm lên người trong khu cấm địa.
Đến đợt sút luân lưu, thủ môn Bravo (hai trận trước vắng mặt do chấn thương) nay trở lại đã xuất sắc vô hiệu hóa cả ba cú sút của Quaresma, Moutinho và Nani khiến Ronaldo không còn dịp sút quả luân lưu cuối. Trong lúc đó Vidal, Aranguiz và Sanchez đã kết thúc hoàn hảo đưa Chile vào bán kết mà không cần đợi đến hai loạt luân lưu cuối.
Như vậy Chile đã giành quyền vào chung kết ba giải quốc tế liên tục gồm hai Copa America 2015, 2016 và lần đầu tiên dự chung kết Confederations Cup 2017.
Cũng có thể nói Chile là “vua” sút luân lưu bởi hai lần trước họ cũng đã vượt qua đối thủ quen thuộc Argentina do đội trưởng Messi dẫn đầu cũng trên chấm 11 m. Còn Bồ Đào Nha có thể xem như kết thúc “Thế hệ vàng” thắng 22/23 trận tranh giải kể từ tháng 10-2014 đến nay khi toàn đội đều đã lớn tuổi và cần phải gấp rút “thay máu”.