Ngày 10-6, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định về chế độ thu phí tại Cảng cá Phan Thiết. Việc thu phí nhằm có kinh phí phục vụ công tác quản lý, điều hành của Ban quản lý Cảng và đều được các doanh nghiệp tán đồng. Thế nhưng sau hơn ba tháng thực hiện, đã phát sinh hàng loạt những vướng mắc khiến cả trăm doanh nghiệp làm ăn trong cảng phải kêu trời.
Theo quy định, hàng hóa qua cảng phải đóng phí 10.000 đồng/tấn, ngoài ra nếu phương tiện có trọng tải trên 10 tấn phải đóng thêm 25.000 đồng nữa. Tổng cộng nếu xe chở 10 tấn hải sản qua cảng phải đóng phí tất cả 125 ngàn đồng.
Theo các doanh nghiệp trong Cảng Phan Thiết, việc thu phí với mức giá trên là chấp nhận được. Tuy nhiên, việc họ bức xúc là khi phương tiện về lại cảng, nếu muốn chạy xe không ra đổ xăng, vá vỏ, rửa xe thì khi quay vào cổng lại phải mua vé chịu phí. Theo đó phương tiện có trọng tải 2,5-5 tấn phải mua vé 15 ngàn đồng, xe có trọng tải 5-10 tấn phải trả 20 ngàn đồng, còn container một lần qua cảng phải trả 35 ngàn đồng.
Ông Thanh, chủ Doanh nghiệp hải sản Bích Thanh, cho biết doanh nghiệp ông có 11 xe tải đông lạnh, hằng ngày chở hải sản đi một số tỉnh, thành trong nước. Khi đoàn xe về đỗ tại bãi xe của doanh nghiệp thuê đất trong cảng và nếu muốn quay ra đổ xăng, bảo trì, vá vỏ hay rửa xe thì khi quay xe không vào phải chịu thêm một lần phí oan ức nữa.
Ông Bùi Văn Trung, chủ ba xe đông lạnh cho biết ông có cảm giác thu phí vào ra Cảng Phan Thiết không khác gì kiểu thu phí BOT đường bộ rải đầy quốc lộ 1A, cứ đếm lượt thu tiền. Ông Trung đề xuất tại sao Cảng Phan Thiết không phát cho các đầu xe của doanh nghiệp làm ăn trong cảng phiếu ra vào cổng để khi đưa xe không ra ngoài sửa chữa hoặc rửa xe tránh kiểu thu phí như trên?
Đa số các doanh nghiệp trong cảng hành nghề thu mua, sơ chế hải sản tươi sống. Tùy theo từng chủng loại hàng mà họ ủ đá, cấp đông hoặc gây mê tôm, ghẹ để vận chuyển. Thế nhưng khi ra cổng là bị nhân viên thu phí bắt mở cửa để kiểm tra trọng lượng. Thậm chí có nhân viên còn lên xe để kiểm tra, có khi còn khui cả thùng bảo ôn xem chở hàng gì, trọng lượng bao nhiêu để tính tiền.
Theo các doanh nghiệp, việc kiểm tra tùy hứng như trên làm cho họ bị động và khá rắc rối vì khi vận chuyển hải sản là phải chạy đua với thời gian mới đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt nguy hiểm là kiểu nhân viên thu phí cân trọng lượng xe bồn vận chuyển xăng dầu vào cảng bằng... mắt. Dù các tài xế xe bồn chở xăng dầu vào cảng đều xuất trình hoá đơn nhập hàng từ các tổng công ty xăng dầu nhưng nhân viên thu phí vẫn leo lên xe mở nắp để kiểm tra, tính trọng lượng.
Nhân viên thu phí leo lên xe bồn để kiểm tra trọng lượng bằng... mắt. |
Theo anh Thái, chủ doanh nghiệp xăng dầu Thái Nguyên thì đây là hành vi lạm quyền và điều này vô cùng nguy hiểm cho tính mạng người mở (trong quá trình vận chuyển, bồn xăng dầu l tăng áp suất rất lớn) đó là chưa nói đến việc cháy nổ thì sẽ là thảm họa.
Trưa ngày 2-10, chúng tôi đã chứng kiến cảnh một nhân viên thu phí dừng xe bồn biển số 53L-2246 và leo lên để kiểm tra khi xe này vào cảng. Tuy nhiên, khi thấy nắp bồn xe này đã được niêm chì, người nhân viên móc điện thoại gọi đi đâu đó rồi leo xuống gõ gõ vào bồn nhiên liệu để... ước lượng rồi tính tiền!
PHƯƠNG NAM