Sáng 16-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) tại Nhà khách Quốc hội ở TP.HCM.
Tại đây, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh TP.HCM, bày tỏ tâm tư về việc dự án pháp lệnh đề xuất không công nhận bệnh binh trong thời bình.
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh TP.HCM, bày tỏ tâm tư về việc dự án pháp lệnh đề xuất không công nhận bệnh binh trong thời bình. Ảnh: L.THOA
Theo Thượng tá Phong, trên thực tế, sự cống hiến của lực lượng vũ trang trong thời bình cũng không khác gì với trong thời chiến. Bởi 24/24 giờ lực lượng này luôn sẵn sàng trong tư thế chiến đấu, với điều kiện hiện nay là tình hình xã hội ngày càng phức tạp, các thế lực thù địch tập trung chống phá mọi mặt, vào mọi thời gian, địa điểm. Thậm chí vấn đề bão lũ, cháy nổ… xảy ra thì lực lượng vũ trang cũng phải ra tay.
“Nếu như lực lượng PCCC và cứu hộ, cứu hạn vào công trình cứu người bị gặp nạn hay nhiễm bệnh, về không thể tiếp tục công tác trong ngành được nữa mà không được hưởng chế độ thì tội nghiệp cho anh em lắm” - Thượng tá Phong trần tình.
Thượng tá Phong cũng chỉ dẫn trường hợp lực lượng vũ trang công tác trong điều kiện khó khăn về khí hậu, thời tiết, ăn uống làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây bệnh, để rồi quân đội và công an không tiếp tục sử dụng người nữa. Xét về tâm lý, đạo đức thì rất ray rứt.
“Tôi có một cán bộ quân hàm trung tá, hoạt động rất trách nhiệm, làm việc đến mức phát bệnh không hay. Khi đi khám sức khỏe thì phát hiện bệnh hiểm nghèo, quân đội không sử dụng nữa, chúng tôi giải quyết cho về mà rất ray rứt…
Hay vụ cháy ở Công ty Rạng Đông vừa rồi, bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ tập trung vào, bây giờ chưa kiểm tra độ phơi nhiễm chất độc ở công ty đó, đến khi kiểm tra mà ra bệnh thì người đó bị cho nghỉ, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội…” - Thượng tá Phong kể và mong ban soạn thảo nghiên cứu thực tiễn này để có điều chỉnh dự án pháp lệnh.
Ông Trần Hữu Nghĩa, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, băn khoăn về việc không hỗ trợ chính sách cho vợ, chồng liệt sĩ đã tái giá. Ảnh: L.THOA
Ông Trần Hữu Nghĩa, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cũng đề cập đến các đối tượng là hiệp sĩ đường phố vì đảm bảo an ninh trật tự cho TP mà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hoặc trường hợp học sinh, sinh viên, thanh niên vì cứu người mà xảy ra hy sinh cũng nên được đề cập trong dự án pháp lệnh lần này.
Ông Nghĩa cũng bày tỏ băn khoăn về việc không hỗ trợ chính sách cho vợ, chồng liệt sĩ đã tái giá.
“Nói gì thì nói, những người này cũng là người thân thiết với liệt sĩ. Còn họ tái giá hay không lại là chuyện khác. Nếu giờ nêu ra việc này để hạn chế quyền người thân liệt sĩ như vậy thì rất bất hạnh vì họ cũng là người vợ, chồng của liệt sĩ. Tôi đề nghị dù đã tái giá cũng phải có tất cả các quyền lợi liên quan đến thân nhân liệt sĩ, không vì tái giá mà đưa vào cơ chế để hạn chế quyền lợi của họ” - ông Nghĩa nêu ý kiến.
Về việc này, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM, tâm tư: “Nhiều trường hợp người chồng hy sinh mà vợ còn rất trẻ, bảo người ta ở suốt đời thì không nên. Nếu khi tái giá mà họ vẫn làm tròn bổn phận người mẹ, người con dâu, có nghĩa vụ với người liệt sĩ đó thì việc hưởng chính sách như Bảo hiểm xã hội... là phù hợp, nhân đạo, chứ không nên phân biệt”.