Cứu người, lặn tìm thi thể, tìm tang vật trong những vụ án… là công việc của các chiến sĩ đang công tác tại Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) (Phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM).
Nhiều người gắn với sông nước, với những con kênh bốc mùi hôi thối khi còn rất trẻ, nay tóc đã điểm bạc nhưng luôn rực cháy tình yêu với nghề…
Nghe được tiếng nạn nhân, mọi vất vả tan biến
10 năm theo nghề, tham gia cứu rất nhiều người cũng như tìm được vô số thi thể dưới dòng nước lạnh, mỗi “ca” như thế khi gợi lại Thượng úy Trần Thành Phát vẫn nhớ như in.
Một trong số đó là câu chuyện cứu người đánh cá mắc nạn ở cống thoát nước phía sau Công ty FPT, Khu công nghệ cao (phường Tân Phú, quận 9). Theo anh Phát, hôm đó (ngày 18-8-2019), từ rạng sáng, người đánh cá trên rời nhà, sau đó thì người thân không liên lạc được. Suy đoán từ hướng chảy dòng nước, họ nói ông đang ở đâu đó trong cống…
Khi Đội Công tác chữa cháy và CNCH nhận tin cấp báo và tới, mực nước đã gần che kín miệng cống, bốc mùi khó chịu và gia đình người mất tích đang sụt sùi khóc do lo lắng tính mạng nạn nhân.
Vừa đến hiện trường, Thượng úy Trần Thành Phát và đồng đội triển khai ngay đội hình lặn ba người một với trang thiết bị đi sâu vào ống cống tìm kiếm. Vào sâu bên trong, vừa đi các anh vừa la lớn với mong muốn nghe được tiếng hồi đáp nhưng không có. “Nước ngập tới vai chúng tôi, rồi sình lầy cao. Cống rộng như mê cung nên rất dễ lạc, chưa kể trong cống nhiều dị vật như miểng chai, lưỡi câu, kim tiêm… Ớn nhất là kim tiêm” - anh kể.
Nhiều tiếng đồng hồ miệt mài lặn, lội, tìm trong cống nước thải hôi thối, thiếu ôxy…, cuối cùng sự kiên nhẫn của các anh cũng được đền đáp. “Người đang rã rời, chúng tôi bỗng thấy một đốm sáng nhỏ cùng tiếng người vọng lại, thế là anh em tỉnh táo, sung sướng và khỏe hẳn” - người lính CNCH chia sẻ cảm giác “túm” được tia hy vọng gần như cuối cùng.
Vị thượng úy cho hay thời điểm được tìm thấy, nạn nhân vô cùng hoảng loạn, mặt tím tái vì lạnh và sợ. Dù đã tìm được vị trí cao hơn để đứng nhưng lúc này nước cũng đã ngập đến ngực người đàn ông này. “Chúng tôi trò chuyện trấn an để anh bình tĩnh lại. Thấy anh bước ra, gia đình vỡ òa hạnh phúc và toàn đội cứu nạn cũng mừng muốn rơi nước mắt” - anh Phát nhớ lại trong xúc động giống như chuyện mới xảy ra.
Thượng úy Trần Thành Phát và đồng đội lặn dưới dòng nước bẩn cứu người bị nạn. Ảnh: PCCC
Nghề cần cái tâm và thần kinh thép
Lặn xuống nước sâu thì ngày cũng như đêm, những người nhái phải dùng nhiều giác quan để tìm kiếm. Mối liên kết giữa những chiến sĩ dưới lòng sông sâu và trên bờ chỉ là cọng dây và cục sắt. “Tuyệt đối không được buông dây”, đó là mệnh lệnh buộc phải nằm lòng với những chiến sĩ CNCH. Theo đó, rẽ trái, rẽ phải, đi thẳng, đã tìm thấy thi thể nạn nhân, tang vật… tất cả đều giao tiếp bằng tín hiệu từ sợi dây.
Lạnh, sình lầy, hôi thối, xác động vật… chỉ là một phần rất nhỏ. Không ít chiến sĩ đội đã phải điều trị phơi nhiễm vì bị dị vật đâm tứa máu. Chưa kể hóa chất từ các nhà máy xả ra. “Hồi đang theo đuổi bạn gái (giờ là vợ), tôi giấu không kể chi tiết về nghề nghiệp của mình vì sợ cô ấy lo. Nhiều hôm lặn vào chỗ thối quá, về xát xà bông mãi cũng không hết mùi, tôi trốn hẹn, ngủ luôn trên cơ quan… Sau này, cưới nhau về, một thời gian sau cô ấy mới biết vì… đọc thấy tôi trên báo” - Trung tá Đào Quốc Trung, Tổ trưởng Tổ CNCH, Đội Công tác chữa cháy và CNCH, người có hơn 35 năm trong nghề, kể chuyện.
Vị trung tá cũng là người trực tiếp huấn luyện, đào tạo nhiều thế hệ trẻ kế nghiệp. Ông nói hai tố chất cần có của một người lính CNCH là cái tâm và thần kinh thép. “Lặn là một chuyện nhưng lúc tiếp xúc với thi thể nạn nhân lại là câu chuyện khác. Ngày trước, ngoài rèn về tư tưởng để chiến sĩ mới làm quen với thi thể, tôi thường đưa các cậu ấy tới nhà xác, đóng cửa 7 phút trong đó. Sau này thì khác hơn nhưng gì thì cũng bắt buộc lính CNCH thì phải quen và khi tìm được nạn nhân phải xử lý sao, báo tín hiệu sao...” - ông nói.
Được biết rất nhiều anh em trong Đội Công tác chữa cháy và CNCH (Phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM) đến với nghề là nhờ cái duyên. Nhưng rồi theo thời gian gắn bó, các anh yêu nghề luôn lúc nào không hay. Chia sẻ về công việc, họ cùng có suy nghĩ ngoài nhiệm vụ là tâm hồn luôn hướng tới việc nghĩa. “Nếu ai cũng thấy nghề khổ cực quá mà không làm, mà chùn bước thì lấy ai làm, lấy ai bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân. Tôi tự hào là người lính CNCH” - một chiến sĩ nói.
“Quý tử” khiến cả đội lặn thót tim Với Trung úy Nguyễn Văn Trung, người có chín năm trong nghề CNCH thì ngoài những phút căng thẳng cũng có những chuyện cười ra nước mắt. “Một lần nhận tin báo rằng có một thanh niên tự tử ở cầu Kênh (quận Bình Thạnh), chiếc xe máy của anh ta vứt lại trên cầu... thế là cả đội đi lặn tìm” - ông kể. “Cậu này mới ngoài 20 tuổi, gia đình cho hay là nhiều lần xin tiền nhưng lần này thì cha cậu ấy từ chối, thế là cậu ta giận, bỏ đi cùng xe máy. Sau đó thì mọi người thấy chiếc xe này trên cầu. Có khả năng cậu này lao xuống sông Sài Gòn nên anh em chia nhau lặn tìm. Sau 2 tiếng quần đảo thì nghe tin báo từ gia đình: Vừa thấy bạn chở nó đi chơi!” - Trung úy Trung nhún vai, lắc đầu… biểu cảm sự hài hước. “Hai tiếng anh em lần mò dưới dòng nước bẩn nhưng hên thằng bé không bị sao là mừng rồi” - anh nói. |