Bán vé xem V-League và khi U-23 nhạt đi…

Sân Hàng Đẫy chật cứng người xem Siêu cúp giữa hai… đội khách SL Nghệ An và Quảng Nam, trong khi nhiều lần chủ nhà Hà Nội nhiều mùa đá V-League trong cảnh khán đài trống vắng. Sân Vinh, sân Mỹ Đình cũng tấp nập khán giả rủ nhau đến ngắm nghía một vài tuyển thủ U-23 Việt Nam trong màu áo SL Nghệ An, Thanh Hóa chơi giải AFC Cup. Sân Bình Phước có đội khách HA Gia Lai đá khai trương dàn đèn đông đúc đến nỗi người xem ngồi tràn cả xuống đường piste.

Những khán đài ăm ắp khán giả trước giờ V-League khai cuộc như báo hiệu một thời hoàng kim ăn bóng đá, ngủ bóng đá trở lại. Nó làm các nhà tài trợ V-League từng… bỏ chạy phải tiếc nuối vì miếng bánh béo bở sắp dành cho “tân binh” NutiFood thức thời.

Chỉ có điều những con số chục ngàn người chịu đến sân xem các trận bóng đá ấy hoàn toàn miễn phí và phần đông khán giả trẻ còn háo hức tận mắt chứng kiến những cầu thủ U-23 Việt Nam vừa gây địa chấn ở giải châu Á. Cứ nhìn dòng người tranh thủ bất kỳ học trò của ông Park Hang-seo rảnh rỗi là chạy đến xin chụp ảnh theo trào lưu đủ hiểu sức hút của họ vẫn còn lớn, khi không khí hâm mộ cuồng nhiệt còn nong nóng.

Nhà tài trợ NutiFood từng gây tiếng vang với các giải trẻ U-19 NutiFood nay tiếp tục đồng hành với bóng đá Việt Nam ở giải V-League. Ảnh: XUÂN HUY

Vấn đề mới đặt ra cho các nhà làm bóng đá Việt Nam là lúc các sân cỏ đều phải mở cửa bán vé hẳn hoi theo tinh thần chuyên nghiệp và khi sự hấp dẫn của những tuyển thủ trẻ U-23 hạ nhiệt thì điều gì sẽ xảy ra?

HLV lão làng Lê Thụy Hải với kinh nghiệm lâu năm đã nhìn xa hơn cái không khí cuồng nhiệt phong trào với những băn khoăn về việc các nhà làm giải có giữ nổi khán giả ở lại sân hay không. Bởi nếu vẫn với cách làm cũ,V-League vẫn sẽ đi vào lối mòn xưa.

Cũng chỉ mới xong mùa giải 2017, cả làng bóng nhốn nháo từ các buổi hội thảo và đối thoại vì sao khán giả quay lưng với V-League. Người yêu bóng đá không khó để trả lời V-League chưa sạch, trọng tài không ổn, cấp trên thì vừa đá bóng vừa thổi còi, các ban bệ làm giải chồng chéo những ý kiến mâu thuẫn,… dẫn đến những lãnh đội, cầu thủ phản ứng loạn xạ.

V-League vài mùa gần đây cứ mùa sau vắng khách hơn mùa trước là có thật. Nó chính là thước đo rất cơ bản của các nhà tài trợ để cân đếm việc nâng lên hay hạ giá. Bài học có nhiều rồi, chỉ là có thuộc lòng và thay đổi hay không. Hy vọng các nhà tổ chức giải theo làn sóng cuồng nhiệt U-23 Việt Nam sau giải U-23 châu Á, đấu trường V-League sẽ nhộn nhịp hơn và người yêu bóng đá chịu bỏ tiền mua vé vào sân chứ không phải vì miễn phí.

V-League 2018 mang tên NutiCafé V-League 2018

Sau nhiều vong đam phan, VPF đa đạt được thỏa thuận với nhà tai trợ chinh NutiFood cho giải V-League với bản

hợp đồng ngắn hạn một năm cùng số tiền không thấp hơn Toyota mùa trước, hơn 40 tỉ đồng. Lễ ra mắt nhà tài trợ sẽ diễn ra vào sáng 6-3 và giải vô địch quốc gia mùa này có tên la NutiCafe V-League 2018. Công ty NutiFood là một cái tên không xa lạ với bóng đá Việt Nam khi hợp tác với Học viện bóng đá JMG đào tạo cầu thủ trẻ, từng tổ chức các giải trẻ U-19 quốc tế gây tiếng vang cùng lứa cầu thủ HA Gia Lai như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toan…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm