Tôi bước ra khỏi phòng thi buổi sáng, hội đồng thi Sư Phạm. Ngoài cổng trường không ai đón tôi. Tôi ngồi xuống một góc ngoài cổng, cắn ổ mì không và nguội, rồi hút trà đá trong bịch, rồi chờ đến lúc vào phòng thi buổi chiều.
Năm đó tôi 18 tuổi.
Tôi thi rớt đại học năm đầu tiên, năm tôi 17 tuổi, tôi nhỏ hơn các bạn cùng lớp 1 tuổi. Đó là kết quả của năm cuối cấp mông lung giữa đủ thứ hỗn độn trên đời, khi tôi thấy mình cô độc và mất phương hướng. Lần thi năm đó tôi nhớ mẹ dắt tôi đi thi, duy nhất một kỳ thi vào Sư Phạm Anh, duy nhất một cơ hội. Cơ hội đó sau này tôi hiểu chỉ dành cho ai nâng niu nó.
Nhận tin thi rớt, tôi trở về nhà trong đủ thứ cảm xúc tệ hại, mà lớn nhất là cảm thấy bất hiếu với mẹ mình. Tôi là đứa học giỏi, nhưng tôi đã vứt đi món quà của trời đất cho tôi.
Bước ra khỏi phòng thi, trời đổ mưa lớn, đã có mẹ ở bên ngoài chở che. Ảnh: Di Linh |
Tôi được một ân nhân đưa vào Sài Gòn học luyện thi đại học. Một năm học đó, tôi vẫn loay hoay giữa những ngã đường nghề nghiệp. Tôi không thích nghề dạy học, nghề của nhiều thế hệ trong gia đình tôi, nhưng tôi nghĩ tôi ngã xuống chỗ nào, tôi sẽ đứng lên chỗ đó. Và vì vậy, tôi lại tiếp tục thi vào Sư Phạm Anh một lần nữa.
Ngày đi thi lại vào năm sau, vì tôi đã quen đất Sài Gòn sau một năm học luyện thi và vì mẹ tôi không khoẻ, tôi đạp xe đi thi một mình. Buổi trưa hôm đó, tôi ngồi nhai bánh mì không và nguội, uống trà đá trong bọc nylon, và tôi nhìn những thí sinh bước ra từ cổng trường, với cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ đứng sẵn trước cổng trường, lòng tôi buồn nhiều lắm. Tôi nhìn nụ cười và giọt nước mắt trên khuôn mặt của những đứa con ngoài kia, rồi thấy những cái ôm hay vỗ nhẹ vào lưng của mẹ cha dành cho chúng. Lúc đó, tôi buồn...
Ở lần thi lại đó, tôi có một chỗ ở giảng đường Sư Phạm. Tôi đã ở đó 5 năm, và từ đó bước ra đời là một thầy giáo tiếng Anh. Năm nhất đại học, tôi chán nản và thi lại vào Đại học Ngoại Thương. Tôi đậu, nhưng Sư Phạm là nơi tôi đi tiếp, một phần vì học Sư Phạm không phải trả tiền. Sau lần thi lại vào Ngoại Thương đó, tôi dừng lại, tôi nghĩ rằng vậy là đủ rồi.
Mấy hôm nay tôi đọc báo, thấy có những bài "chỉ trích" cha mẹ đưa đón con đi thi bỏ cả công ăn việc làm dù con họ đã 18 tuổi. Tôi không hiểu họ có con không, tôi không hiểu họ có bao giờ ngồi trước cổng trường thi, cô độc gặm bánh mì không và nguội, và uống trà đá, và nhìn những học trò cùng tuổi được cha mẹ đón ở cổng trường trong tủi thân hay không?
Làm cha mẹ, theo ý thiển cận của tôi, có một niềm vui là nhìn con mình lớn lên một chút, trưởng thành một chút. Đứa con 18 tuổi có thể đi thi một mình, hoàn toàn có thể, nhưng nếu nó bước vào trường thi với niềm tin ngoảnh lại đàng sau là cha mẹ, bước ra khỏi phòng thi là có cha mẹ ở đó, nó ít nhất sẽ cảm thấy may mắn, ấm áp, hạnh phúc. Rồi khi nó lớn lên, nó sẽ tự nhiên dành cho con cái nó sự yêu thương, quan tâm và chăm sóc thật tốt cho con của nó. Tại sao nó lại không được hưởng thụ ánh mắt yêu thương, lo lắng của mẹ cha dành cho nó chứ!
Hãy đừng vô lý khi áp đặt những điều mình nghĩ vào cuộc đời và trái tim của người khác. Nếu anh chị không nghĩ đưa đón con đi thi là tốt thì các anh chị cứ để con mình tự đi thi, và các anh chị hãy để các cha mẹ khác yêu con của họ theo cách của họ. Yêu thương mà, làm gì có công thức và hàm lượng tiêu chuẩn chứ!
Có những điều cha mẹ chỉ có thể làm cho con mình một lần trong đời, và có những điều ấm áp và thiêng liêng con cái chỉ nhận được từ cha mẹ một lần, vậy nên cha mẹ cứ hưởng thụ, con cái cứ hưởng thụ cái ngọt ngào từ tình yêu mênh mông đó.
Con cái có thể lớn, con cái có thể bay cao và bay xa, nhưng bất kỳ lúc nào con chùn bước, nản lòng, đau khổ, sẽ rất may mắn cho con nếu con quay lại đàng sau và luôn có biển trời của con ở đó.
31 năm về trước, vào một buổi trưa hè gay gắt nắng, tôi ngồi trước cổng trường một mình, gặm bánh mì, uống trà đá và thầm hứa với lòng mình sẽ dành cho những đứa con tương lai những yêu thương lớn nhất.
Kệ tôi đi, yêu con là quyền của tôi mà…