Sĩ tử tuổi 18 ... 'cười ra nước mắt'!

(PLO)- Có không ít những bạn trẻ ở tuổi 18, 20 lại bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời mình với một tâm thế lơ đễnh, hời hợt đến “cười ra nước mắt”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã kết thúc với hai môn Toán, Ngữ văn. Kể từ khi không còn kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ từ năm 2015, đây là kỳ thi lớn nhất dành cho học sinh lớp 12, thí sinh tự do muốn xét tốt nghiệp hoặc mong muốn có cơ hội xét tuyển vào ĐH-CĐ.

Cũng chính vì là kỳ thi lớn nhất lại được tổ chức quy mô toàn quốc nên kỳ thi diễn ra với sự vào cuộc, hỗ trợ, quan tâm của các cấp ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, nhằm tạo điều kiện tối đa để các em hoàn thành tốt nhất kỳ thi.

CSGT chở nam sinh đến điểm thi vì đi nhầm. Ảnh: HD
CSGT chở nam sinh đến điểm thi vì đi nhầm. Ảnh: HD

Cùng với hơn một triệu thí sinh, kỳ thi mỗi năm đều xuất hiện những hình ảnh, câu chuyện về nghị lực và tinh thần học tập mãnh liệt khiến bất cứ ai biết đến cũng phải ngưỡng mộ. Như năm nay, đó là hình ảnh bà Ngô Thị Kim Chi đã 64 tuổi (quận 7, TP.HCM) nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi việc học và đi thi tốt nghiệp THPT.

Vì ở tuổi đã cao, kiến thức còn hạn chế nên bà phải chọn cách cần mẫn dành thời gian học nhiều hơn, có hôm thức tới 1 – 2 giờ sáng để giải bài, mong muốn có kết quả tốt và có thể ứng tuyển vào ngành sư phạm Toán của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Tương tự, cũng ở tuổi 46, ông Đặng Văn Ảnh (Trưởng thôn Liên Tài Năng, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng miệt mài học tập và tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Ông muốn học và đi thi vừa để làm gương cho con cháu vừa để nâng cao trình độ để làm việc tốt hơn, đóng góp cho quê hương nhiều hơn.

Hay hình ảnh “có một không hai” về thí sinh Nguyễn Minh Thiên Phong (Trường THPT Gò Vấp, TP.HCM) khi phải dự thi trong tư thế nằm làm bài ở một phòng riêng. Lí do trước đó em phải mổ do bị áp xe ở mông, đến ngày thi, dù còn đau nên nhưng em không muốn bỏ lỡ kì thi quan trọng này.

Và còn nhiều thí sinh trên cả nước không may gặp những bất trắc về sức khỏe như gãy tay, sốt, khuyết tật…vẫn nỗ lực tham gia và hoàn thành kỳ thi nghiêm túc nhất.

Thế nhưng, ngược lại với những hình ảnh đáng ngưỡng mộ đó, có không ít những bạn trẻ khỏe mạnh ở tuổi 18, 20 lại bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời mình với một tâm thế lơ đễnh, hời hợt đến “cười ra nước mắt”.

Đó là tình huống của hai thí sinh ở tỉnh Kon Tum vì ngủ quên đến sát giờ thi nên cảnh sát giao thông phải dùng xe đặc chủng tìm tận nhà chở đi thi. Một thí sinh khác ở Ninh Thuận cũng trong tình huống tương tự. Rồi một nam sinh ở tỉnh Đắk Lắk đến nhầm điểm thi nên phải nhờ lực lượng chức năng hỗ trợ đưa về đúng điểm thi trên giấy báo.

Cạnh đó là rất rất nhiều trường hợp thí sinh đi thi quên giấy tờ tùy thân, vật dụng làm bài như căn cước công dân, giấy báo thi, máy tính, bút thước… khiến các sinh viên tình nguyện được dịp “chạy như bay” về nhà lấy giùm để kịp cho các em làm bài thi.

Có thể, đối diện với một kỳ thi lớn sẽ không tránh khỏi những lo lắng, bất cẩn nhưng đáng trách hơn cả là có những sai sót xuất phát từ sự chủ quan, cẩu thả, thiếu ý thức của chính bản thân các em. Và thực tế đã có không ít thí sinh phải trả giá bằng việc để vuột mất cơ hội vào ĐH như ý muốn, phải mất thêm một năm để được thi lại…

Các em đã trải qua 12 năm học tập miệt mài, đầy nỗ lực, cùng với sự dạy dỗ từ thầy cô, chăm lo và yêu thương từ ba mẹ, hành trình đó không hề ngắn và dễ dàng. Rồi tới đây, đó cũng sẽ là hành trang để các em bước vào ngưỡng cửa ĐH, đi học nghề hoặc vào đời với cả một tương lai dài còn ở phía trước.

Nhưng hành trang đó muốn vững vàng nếu chỉ bằng kiến thức thôi chưa đủ mà còn cần cả sự ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ, tuổi 18.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm