Báo Business Week (Mỹ) ngày 9-6 nhận định sự kiện tàu Trung Quốc phá hoại cáp của tàu thăm dò dầu khí Viking 2 của Việt Nam xảy ra chỉ bốn ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt khẳng định tại hội nghị Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa về an ninh.
Trước đó, trang web voanews.com đã dẫn nhận định của ông Christopher Roberts, nghiên cứu viên cao cấp về vấn đề châu Á ở Đại học Canberra (Úc). Ông nhận xét: “Lời nói và hành động thực tế của Trung Quốc xem ra có khác biệt. Tôi nghĩ những lời nói của Bộ trưởng Lương Quang Liệt tại hội nghị chỉ để an ủi các nước tranh chấp chủ quyền tại biển Đông. Tôi cũng khẳng định với những sự việc phát sinh gần đây, các quốc gia như Việt Nam và Philippines sẽ lắng nghe những lời nói đó với con mắt nghi ngờ”.
Trên báo Wall Street Journal (Mỹ) ngày 10-6, các nhà phân tích Mỹ nhận định sự kiện tàu Trung Quốc phá cáp của tàu Viking 2 là hình thức phô diễn sức mạnh và Trung Quốc mở rộng phạm vi và ảnh hưởng quân sự đi đôi với thăm dò tài nguyên thiên nhiên đã góp phần làm gia tăng quan ngại về tình hình leo thang ở biển Đông trong mấy tháng gần đây.
Tàu ngư chính 311 đã phá cáp của Việt Nam. Ảnh: sywb.10yan.com
Để mở rộng tầm kiểm soát trên biển Đông, Trung Quốc đã chú tâm xây dựng các đội tàu hải giám và tàu ngư chính.
Đội tàu ngư chính Trung Quốc hiện có 1.382 chiếc từ 1.000 tấn trở lên đến chừng vài trăm tấn. Tàu có trọng tải trên 1.000 tấn có chín chiếc. Đội tàu ngư chính do Bộ Nông nghiệp quản lý.
Trung Quốc có sáu tàu ngư chính nổi bật. Trực thuộc Cục quản lý giám sát ngư cảng ngư chính Nam Hải có tàu ngư chính 303 có trọng tải 1.000 tấn, tàu ngư chính 201 cấp 1.000 tấn và tàu ngư chính 301. Trực thuộc Cục quản lý giám sát ngư cảng ngư chính Đông Hải có tàu ngư chính 204 cấp 1.000 tấn, tàu ngư chính 202. Trực thuộc Cục quản lý giám sát ngư cảng ngư chính Hoàng Hải Bột Hải có tàu ngư chính 118 cấp 1.000 tấn.
Tàu ngư chính 311 có trọng tải lớn nhất Trung Quốc nhưng hiện đại nhất là tàu ngư chính 310. Tàu chạy nhanh nhất (22 hải lý/giờ), có trọng tải 2.850 tấn, chở 56 thuyền viên và hai máy bay trực thăng Z-9A. Đây là tàu đầu tiên chở theo máy bay trực thăng.
Theo kế hoạch năm năm 2011-2015, Trung Quốc dự kiến sẽ đóng thêm nhiều tàu ngư chính, trong đó sẽ có một tàu chở máy bay trực thăng hoạt động trên biển Đông và 3-5 tàu có trọng tải trên 5.000 tấn.
Ngoài đội tàu ngư chính, đội tàu hải giám Trung Quốc có hơn 280 chiếc hoạt động với chín máy bay thông thường và máy bay trực thăng. Đội tàu hải giám trực thuộc Tổng cục Hải dương quốc gia. Đây là cơ quan thi hành pháp luật duy nhất được Quốc hội Trung Quốc cho phép hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Từ cuối năm 2007, tàu hải giám Trung Quốc tăng cường tuần tra giám sát toàn bộ khu vực biển Hoàng Hải, biển Đông, biển Hoa Đông. Thời gian gần đây, cơ quan hải giám Trung Quốc đã tăng cường thêm nhiều tàu thuyền cấp 1.000 tấn. Gần đây nhất là ngày 8-5, tàu hải giám 84 đã chính thức được biên chế vào tổng đội tuần tra ở biển Đông.
Để tăng cường giám sát, tàu hải giám và máy bay đều được trang bị hệ thống truyền thông tin và chỉ huy hiện đại nhập từ nước ngoài, bao gồm thiết bị điều khiển từ xa hàng không, thiết bị đo đạc vùng nước sâu và thiết bị giám sát quan sát từ xa.
Ngày 9-6, Giám đốc CIA Mỹ Leon Panetta phát biểu Trung Quốc đang muốn tăng cường năng lực chiến đấu trong xung đột lãnh thổ. Báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời các nhà phân tích an ninh cho rằng khi các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở biển Đông tìm kiếm hợp tác trên trường quốc tế với sự ủng hộ của Mỹ, Trung Quốc sẽ phản ứng ngày càng hiếu chiến hơn. Những hành động gây lo ngại về tình hình ổn định trên biển Đông gần đây của Trung Quốc đã chứng tỏ bên cạnh tham vọng thỏa mãn cơn khát dầu, Trung Quốc đang chủ ý gia tăng nỗ lực mở rộng tầm kiểm soát và ảnh hưởng quân sự. Báo WALL STREET JOURNAL (Mỹ) ngày 10-6 |
HOÀNG HẠNH - THIÊN ÂN (Theo CNTV, baidu.com, nfdaily, voanews.com)