Ngày 11-4, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), một trong những cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) đã có bài viết: “Tại sao Việt Nam (VN) xâm phạm biển Đông vào thời điểm này?”.
Cùng thời điểm này, một số học giả như GS Mark J. Valencia (người Mỹ, thỉnh giảng cao cấp tại Viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông, Hải Khẩu, Hải Nam, TQ) cũng có những bài viết xuyên tạc sự thật về biển Đông.
Nhận định về bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu, TS Huỳnh Tâm Sáng, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), thuộc ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, cho rằng bài báo rất vô lý khi lên án VN “dựng chuyện” tại biển Đông để chuyển hướng dư luận trong nước khi đã xử lý dịch bệnh không hiệu quả. Nội dung bài báo không chỉ xuyên tạc sự thật mà còn dựng lên những góc nhìn của thuyết âm mưu hoàn toàn phi lý.
Từ vấn đề biển Đông
Trong bài viết, Cheng Hanping, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu biển Đông thuộc ĐH Nam Kinh (TQ), cáo buộc “một tàu đánh cá VN đã đâm vào mũi tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển TQ (CCG)” ở vùng biển mà TQ gọi là quần đảo Tây Sa (tức là quần đảo Hoàng Sa của VN) hồi đầu tháng này.
Theo Cheng Hanping, “VN đã chính thức phản đối TQ và đổ lỗi cho tàu TQ trong nỗ lực tìm kiếm sự bồi thường”. Giọng điệu của Cheng giống với phát ngôn vô lý của người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh trước đó.
Trên thực tế, các bằng chứng cho thấy tàu hải cảnh TQ đã cố tình gây hấn và “bắt nạt” tàu cá của VN. Ngay sau vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của VN, tàu cá QNg 90617 TS và tám ngư dân VN đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN thì bị tàu hải cảnh TQ ngăn cản và đâm chìm”.
Theo bà Thu Hằng, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán TQ và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía TQ điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh TQ nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân VN.
Quan điểm của phía VN sau đó được phía Bộ Ngoại giao Philippines cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các nghị sĩ Mỹ ủng hộ. Các nước còn trực diện chỉ trích hành xử phạm pháp của tàu TQ trên biển.
Tàu cá Việt Nam tuy hoạt động hợp pháp nhưng bị tàu Trung Quốc đe dọa, thậm chí là đâm chìm. Trong ảnh: Tàu cá ngư dân Việt Nam tại cảng Lý Sơn. Ảnh: TẤN VIỆT
“Cách hành xử phi pháp, nặng tính khiêu khích từ phía TQ đã khiến an ninh biển Đông càng thêm bất ổn. Không dừng lại ở việc bẻ cong sự thật, bài viết đã cố tình kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan TQ bằng cách khơi gợi “tâm lý nạn nhân”. Trong dòng chủ lưu của phương châm “phục hưng dân tộc Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhiều bài viết của TQ đã theo quan điểm “diều hâu” để truyền tải thông điệp TQ đang bị hà hiếp và cần phải phản kháng” - TS Huỳnh Tâm Sáng nhận định.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, bài viết trên Thời báo Hoàn cầu còn đi xa hơn khi cho rằng: “VN đã cố gắng đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài và sau đó đánh lừa công chúng bằng những tuyên bố sai trái và các cáo buộc chống lại TQ”. Quan điểm này trùng lặp với nội dung bài viết của GS Mark J. Valencia trên báo South China Morning Post mới đây.
TS Huỳnh Tâm Sáng phân tích: “Luận điểm này hoàn toàn trái thực tế bởi chính tàu TQ đã đâm chìm tàu cá VN khi tàu cá này đang hành nghề tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của VN. Bên cạnh đó, thông tin phía VN đưa ra về vụ đâm tàu rất rõ ràng, minh bạch, bao gồm đội ngũ trên tàu, số hiệu của tàu, thời gian và địa điểm xảy ra vụ việc, có tiếng nói của người trong cuộc. Báo chí quốc tế cũng đã vào cuộc tìm hiểu và xác minh thông tin. Những hình ảnh do ngư dân VN cung cấp hoàn toàn phù hợp với tình hình. Vì vậy truyền thông, dư luận lẫn giới chính trị gia các nước đều tin tưởng VN".
Trái lại, phía TQ chỉ đưa tin một chiều, không cung cấp được các bằng chứng cụ thể. Về bản chất, cáo buộc này chính là hành động “gắp lửa bỏ tay người”, thông qua bêu xấu hình ảnh VN để nêu cao tính chính nghĩa (vốn không có) của TQ. Vậy nên truyền thông, dư luận và chính trị gia một số nước đã chỉ trích TQ.
Và những chỉ trích gần đây của Mỹ
Từ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng, tác giả Cheng cho rằng Mỹ công khai đứng về phía VN và buộc tội TQ. Ông Cheng cho rằng cả VN và Mỹ cố tình đứng về cùng phía để chống lại TQ. Thông điệp này của TQ không mới, xuất hiện như một cái cớ để TQ đưa ra thông điệp phản hồi tương ứng rằng “những gì TQ làm ở biển Đông là để phòng thủ”.
Cái sai của Cheng, cũng như nhiều học giả vô lý bênh TQ ở biển Đông, đó là hiểu sai về mối quan hệ Việt-Mỹ. Không hề tồn tại một mối quan hệ hợp tác cùng chống TQ giữa chính quyền hai nước. VN luôn khẳng định đường lối ngoại giao “ba không” (không tham gia các liên minh quân sự; không dựa vào nước này để chống nước kia; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở VN).
Cạnh đó, phía Mỹ cũng công khai ủng hộ đường lối ngoại giao này. Thực tế, Việt-Mỹ cùng hợp tác phát triển nhiều lĩnh vực là xu hướng chung của thế giới, khi toàn cầu hóa nêu cao vai trò hợp tác và phân bố nguồn lực, lao động.
“Như vậy, những tuyên bố từ phía Mỹ ủng hộ VN hoàn toàn dựa trên thực tế vụ việc. Các thông điệp chỉ tập trung phản bác cách hành xử của TQ trên biển Đông, kêu gọi phía TQ hành xử theo chuẩn mực và luật pháp quốc tế và nêu cao tính chính nghĩa của VN; quan trọng là không có bất kỳ ý kiến nào khơi gợi tình cảm chống TQ như Cheng đã viết” - TS Huỳnh Tâm Sáng nói.
Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton cùng một số nghị sĩ khác lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam. Ảnh: AP
Cheng còn cho rằng việc Mỹ chỉ trích TQ sẽ “khuyến khích Chính phủ VN và ngư dân VN tham gia đánh bắt cá” và việc này có thể “xâm phạm lợi ích và quyền lợi của TQ” tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Từ đó, theo Cheng, “có thể làm leo thang căng thẳng giữa TQ và VN (…) Cả Mỹ và VN đang thổi bùng ngọn lửa để đạt được mục tiêu chính trị của họ”.
“Cheng ngụy biện rất rõ qua cách viết như vậy” - TS Huỳnh Tâm Sáng nói. Cần khẳng định rõ là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN theo luật pháp quốc tế. Sự ủng hộ từ phía Mỹ không phải là nguyên nhân để VN hành động trên biển, mà luật quốc tế mới là nền tảng, động lực chính.
Hợp tác Việt-Mỹ đều nằm trong khuôn khổ luật quốc tế và trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của VN. Hai nước đều hướng tới việc thúc đẩy lợi ích song phương, đảm bảo đúng luật pháp, chuẩn mực quốc tế và hướng đến hòa bình, ổn định cho khu vực. Như vậy, việc ngư dân VN đánh bắt cá ở Hoàng Sa là hoàn toàn dựa vào luật pháp và việc Mỹ ủng hộ các quan điểm “thượng tôn pháp luật” của VN là dễ hiểu.
Đến câu chuyện chống dịch
Cheng trong bài viết của mình cũng cho rằng VN muốn “chuyển sự chú ý khỏi áp lực trong nước gần đây và sự bất lực trong việc xử lý đại dịch sang căng thẳng trong quan hệ VN - TQ” - nhận định này rất vô lý.
VN cho đến thời điểm hiện tại thuộc nhóm quốc gia chống đại dịch COVID-19 hiệu quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó có chính phủ nhiều nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều này có thể theo dõi trên truyền thông quốc tế: Từ số ca nhiễm thấp, chưa có ca tử vong; đến việc chuẩn bị, triển khai hệ thống giường bệnh, vật tư y tế,... Thậm chí, VN còn giúp nhiều nước khác chống dịch, gần nhất là hỗ trợ Mỹ sản xuất hàng trăm ngàn bộ đồ bảo hộ. Dư luận quốc tế đánh giá cao vai trò VN không chỉ trong cuộc chiến chống dịch trong nước mà còn vai trò đồng hành các nước khác.
Với TQ, từ tháng 2-2020, VN đã gửi các trang thiết bị, vật tư y tế tới TQ nhằm giúp hỗ trợ đối phó với dịch bệnh và động viên nhân dân TQ. Rõ ràng, tinh thần tương thân tương ái đã thể hiện rất cụ thể, cả ở khía cạnh vật chất và tinh thần. Điều này cũng đã được Đại sứ TQ Hùng Ba khẳng định. Việc Cheng cho rằng VN chống dịch không hiệu quả dường như trái lại với nhận định của chính đại diện đất nước này.
Thời báo Hoàn Cầu trong “cuộc chiến thông tin” của Trung Quốc Ở biển Đông, TQ áp dụng “chiến tranh ba mặt trận”. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, ba mặt trận trên bao gồm chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Cuộc chiến thông tin đang được đẩy mạnh rõ ràng. Theo GS Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, chiến tranh thông tin là một chiến lược được thiết kế nhằm gây ảnh hưởng đối với dư luận quốc tế, tìm kiếm hậu thuẫn cho TQ và làm nản lòng đối thủ trong việc theo đuổi các hành động trái với lợi ích của TQ. Thực tế, không chỉ với nước ngoài, mà chính người TQ cũng là mục tiêu quan trọng của chiến lược này. Phương tiện của chiến tranh dư luận gồm hai nhóm chính, bao gồm các phương tiện tuyên truyền và hệ thống kiểm duyệt thông tin. Tờ Thời báo Hoàn Cầu nằm trong nhóm thứ nhất, bên cạnh hãng thông tấn TQ Tân Hoa Xã và Đài Truyền hình Trung ương TQ (CCTV) có hệ thống phủ sóng toàn cầu với nhiều ngôn ngữ. Ngoài ra còn có tờ Trung Hoa Nhật Báo (China Daily). Về mạng xã hội, TQ đặc biệt đầu tư Sina Weibo thay vì cho phép Facebook, Twitter hoạt động. TQ còn đầu tư các kênh giải trí như phim ảnh, trò chơi online; các phương tiện học thuật như viện nghiên cứu, bảo tàng, luận án, bài nghiên cứu, sách giáo khoa, hội thảo khoa học. |