Bão Haiyan vào Hải Phòng, Quảng Ninh

Lúc 23 giờ ngày 10-11, bão còn cách bờ biển 120 km. Lúc 3-4 giờ sáng 11-11, bão Haiyan cập bờ bắc Hải Phòng và Quảng Ninh, đi sượt qua đảo Hòn Dấu. Khi cập bờ bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-13” - tối 10-11, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Trong bản tin lúc 20 giờ 15 ngày 10-11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết thêm: Sau khi đi vào đất liền các tỉnh phía đông bắc của Bắc Bộ, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 7 giờ sáng nay, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực các tỉnh phía đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8. Đến 19 giờ, áp thấp nhiệt đới di chuyển sang tới phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 19 giờ ngày 10-11, đã có 13 người bị chết, 67 người bị thương do bão. Hầu hết các trường hợp thương vong do ngã khi chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cối...

Bão Haiyan vào Hải Phòng, Quảng Ninh ảnh 1

Tại miền Trung, không khí phòng chống bão vẫn rất khẩn trương. Ảnh: Đ.CƯỜNG

Thanh Hóa ngừng sơ tán dân

Ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết sáng cùng ngày đã tổ chức di dời 4.500 hộ với gần 20.000 người. Tuy nhiên, do bão không vào Thanh Hóa nên ông Chiến kiến nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép dừng di dân và xả nước hồ đập để tránh vất vả cho dân và trữ nước cho thủy lợi. Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã phát lệnh di dời dân toàn bộ sáu huyện ven biển, buộc hơn 100 hồ chứa phải xả bớt nước.

“Dù bão không vào Thanh Hóa nhưng tỉnh không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt diễn biến để chủ động đối phó” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo. Ngay sau đó, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục “đuổi theo bão” ra Hải Phòng, Quảng Ninh. Lúc 23 giờ, đoàn làm việc khẩn với Hải Phòng và Quân khu 3 về công tác phòng, chống.

Hơn 20.000 người tiếp tục đi tránh bão

Lúc 22 giờ ngày 10-11, tại đảo Bạch Long Vỹ đã có gió cấp 10 kèm theo mưa lớn. Trước đó, huyện đảo Bạch Long Vỹ đã sơ tán khẩn cấp 11 hộ với 34 người đến nơi tránh trú.

Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết: Đến tối 10-11, TP đã tổ chức sơ tán 7.400 hộ dân với tổng số hơn 20.000 người tới khu vực an toàn. Quận Hải An phải sơ tán nhiều nhất với 7.400 người. Toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ học trong ngày 11-11. TP cũng tạm đình chỉ các hoạt động giao thông đường thủy, vui chơi giải trí. “Trong ngày hôm nay, các cơ quan, địa phương phải dừng mọi cuộc họp để triển khai công tác phòng, chống lụt bão. Các tổ chức, cá nhân không chấp hành chỉ đạo về phòng, chống lụt bão phải bị xử lý nghiêm” - ông Thoại nhấn mạnh.

Đám cưới chạy bão

Ngày 10-11 được rất nhiều gia đình ở Thanh Hóa chọn để tổ chức lễ thành hôn cho những bạn trẻ. Vì thế, thông tin bão Haiyan sẽ đổ bộ vào địa phương này khiến mọi người dở khóc dở cười. Nhiều cuộc rước dâu phải thay đổi lịch trình sớm hơn dự định theo kiểu “cưới chạy”.

Anh Nguyễn Văn Hải ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết: “Để tổ chức đám cưới, gia đình đã phải chuẩn bị nhiều tháng, vậy mà giờ chót tất cả rối tung khi nghe tin bão vào. Giờ đón dâu phải đôn lên càng sớm càng tốt. Đã thế, nhiều khách chỉ đến chúc mừng rồi phải về nhà lo chằng chống nhà cửa nên đám cưới vắng tanh. Đúng là Haiyan làm khổ mọi người”.

Một phụ huynh ở TP Thanh Hóa thở dài: “Người thân, bạn bè tại TP.HCM đều không thể dự ngày vui do chuyến bay bị hủy. Nhìn hôn lễ được tổ chức vội vã thấy thương con đứt ruột, lại vừa tủi thân vì không có nhiều người đến dự”. Cũng trong buổi sáng cùng ngày, tại TP Thanh Hóa không ít tuyến đường đã bị tắc cục bộ do nhiều đám cưới cùng rước dâu vào 7-8 giờ. Đ.CƯỜNG

Khôi phục các chuyến bay đi miền Trung. Vietnam Airlines (VNA) đang phối hợp với Cục Hàng không khôi phục dần dần các chuyến bay đi/đến Đà Nẵng, Huế. Ngày 11-11, hãng tiếp tục hủy bốn chuyến bay đi/đến Hải Phòng. VietJetAir cũng hoãn tất cả chuyến bay đi/đến Đà Nẵng, Huế, Vinh trong ngày 10-11 và chưa có lịch khai thác trở lại. MAI PHƯƠNG

Hà Nội lên phương án đón bão. Tại cuộc họp khẩn ngày 10-11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu tập trung mọi phương tiện cho công tác cứu hộ, cứu nạn. TP đã lên phương án di dời khoảng 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Toàn bộ học sinh được nghỉ học trong ngày 11-11. N.DÂN

Hiện các chuyến xe từ Đà Nẵng ra các tỉnh phía Bắc vẫn không được rời bến, còn các tuyến phía Nam đã thông tuyến từ chiều 10-11. Hàng chục ngàn người dân đã trở về nơi ở. Ai cũng hớn hở dù vừa trải qua một đêm thót tim. TẤN TÀI

Hơn 132.000 người dân Thừa Thiên-Huế sơ tán tránh bão đã trở về nhà trong chiều 10-11. Tỉnh có một người chết và hai người bị gãy xương do chằng chống nhà cửa. Hôm nay, di tích cố đô Huế mở cửa trở lại. VIẾT LONG

Quảng Ngãi có hai người chết trong khi ứng phó bão. Khoảng 117.000 người ở các điểm sơ tán đã trở về nhà. Lúc 3 giờ sáng 10-11, mưa lớn kèm gió cấp 8-9, giật trên cấp 10 ập vào huyện đảo Lý Sơn nhưng không gây thiệt hại đáng kể. P.NAM

Ninh Bình đã đưa hơn 1.000 người dân từ các chòi canh ngao và các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở Cồn Nổi, Bình Minh II, Bình Minh III (huyện Kim Sơn) vào bờ trú ẩn. Đ.TRUNG

Tại Nghệ AnHà Tĩnh đã có bốn người chết khi phòng, chống bão. Tối 10-11, trên địa bàn hai tỉnh bắt đầu có mưa giông. Hồ Kẻ Gỗ xả lũ khiến nhiều xã thuộc huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ngập sâu. Đ.LAM

NHÓM PV - CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm