Tại Hội nghị giới thiệu những nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) do Sở Tư pháp tổ chức, bà Lê Thị Thanh Nhã, nguyên Phó trưởng phòng Văn hóa- Gia đình (Sở VHTT TP.HCM), chuyên gia nghiên cứu gia đình, đã chia sẻ một câu chuyện. Người bị bạo hành là người cha đã lớn tuổi, công an phường đã vài lần làm việc với con trai của ông do anh này thỉnh thoảng lại la lối, hăm dọa cha mình. Một thời gian, khu phố yên ắng, gia đình này không còn xảy ra vụ lộn xộn nào. Nhưng một hôm, người cha đến công an trình bày ông bị bạo hành tinh thần kiểu "có hình, tắt tiếng" với một xấp giấy cầm trên tay.
Vì nhiều lý do riêng, gia đình ông có nhiều mâu thuẫn, bất hòa. Anh con trai không muốn gặp rắc rối với công an phường nên chửi mắng cha bằng cách dán những câu rất ác ý lên tường mỗi ngày. Công an phường đã nhắc nhở người con: "Dù anh không đánh đập la lối cha anh, nhưng anh vẫn có thể bị xử lý vì bạo hành tinh thần người thân nếu điều này xảy ra một lần nữa".
Theo bà Lê Đặng thanh Nhã, tình hình BLGĐ là nghiêm trọng và phúc tạp
Ngoài ra, một trong những hình thức bạo lực xảy ra thường xuyên nhất nhưng bị "nói tránh" nhiều nhất trong các gia đình là bạo lực tình dục. Theo bà Thanh Nhã, nhiều người vợ do bệnh tật, sức khỏe tinh thần hoặc thể chất không sẵn sàng cho hoạt động tình dục, dù từ chối nhưng vẫn bị chồng cưỡng bức. Sau đó, họ bị đánh đập.Vậy nhưng rất nhiều người phụ nữ cắn răng chịu đựng, chỉ một số ít nhờ Hội phụ nữ tham vấn khi tình trạng khá nghiêm trọng. Chính người phụ nữ cũng không nhận thức được rằng chồng mình đã vi phạm pháp luật, thậm chí có người tự nhận lỗi về mình.