Luật sư (LS) Lê Thị Ngân Giang đã kể như trên tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào ngày 12-12 tại Hà Nội.
LS Giang khẳng định tình trạng bạo lực gia đình giữa vợ chồng, cha con, mẹ con... đang rất đáng lo ngại. Số vụ án mạng xuất phát từ bạo lực gia đình ngày càng nhiều hơn và rùng rợn hơn. Đó là cảnh chồng đốt vợ con, giết vợ phi tang... Hoặc chồng giết vợ chỉ vì từ chối “chuyện chăn gối”. Nhưng cũng có vụ vợ uất ức lột quần áo chồng giữa chốn đông người do người chồng ngoại tình.
58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy, số liệu điều tra những năm gần đây cho thấy có 30% hộ gia đình tham gia trả lời cho biết trong nhà xảy ra ít nhất một lần bạo lực gia đình mỗi năm. “Như vậy, hằng năm số hộ gia đình có hành vi bạo lực có thể là hàng triệu hộ mỗi năm” - bà Thủy nói.
Còn theo tổng hợp từ các sở Văn hóa, từ năm 2009 đến 2017, cả nước có gần 300.000 vụ bạo lực gia đình. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi nếu chia số vụ ly hôn cho 10 năm thì mỗi năm cả nước có 100.000 vụ bạo lực gia đình phải ly hôn. “Vậy tại sao báo cáo của các sở Văn hóa về Bộ thì năm 2017 chỉ có 13.000 vụ bạo lực gia đình? Nếu chia trung bình thì mỗi năm mỗi xã, phường chỉ có một vụ bạo lực gia đình. Có phải do khái niệm khác nhau, hay các địa phương không nắm được số liệu? Hoặc nắm được số liệu mà sợ mất thành tích, thi đua nên mới chênh lệch như vậy?” - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề về trách nhiệm ngăn chặn, xử lý bạo lực gia đình từ phía các cơ quan, đoàn thể. Ảnh. V.THỊNH
Quy định còn quá chung chung
GS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương, đưa ra số liệu mỗi năm có hàng trăm trẻ em bị bạo hành rất nặng phải nhập viện cấp cứu. “Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi trường hợp trẻ em bị bạo hành nặng phải cấp cứu thì có 300-600 trường hợp khác chưa được khai báo” - ông Hải cho hay.
Đóng góp ý kiến ở góc độ luật pháp, các đại biểu cho rằng Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định các hành vi bạo lực gia đình còn quá chung chung và không đầy đủ. Điều này dẫn đến bỏ sót hành vi bạo lực gia đình. Theo nhiều đại biểu, cần bổ sung các hành vi bạo lực tình dục trong quan hệ vợ chồng như ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn cản không cho dùng biện pháp tránh thai... là bạo lực gia đình. Khung hình phạt với hành vi bạo lực gia đình như hành vi bức tử chỉ bị phạt tối đa bảy năm tù là chưa thỏa đáng. Cần có khung hình phạt cao hơn mới ngăn chặn được tình trạng bạo lực gia đình hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án TAND Tối cao, đề xuất muốn khắc phục tình trạng bạo lực gia đình thì cần sửa đổi quy định pháp luật. Trong đó, theo ông, nên bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội đối với vợ chồng, con cái” vào nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”; xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân để xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình nhằm răn đe.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan chức năng. “Luật quy định rất rõ từ các bộ, đoàn thể nhưng chúng ta đã bao giờ kiểm định trách nhiệm của các cơ quan này hay chưa?” - Phó Thủ tướng nói.
Từ năm 2008 đến 2018, tòa án các cấp đã thụ lý 1,4 triệu vụ ly hôn và giải quyết 1,38 triệu vụ. Trong đó có 1 triệu vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như bị đánh đập, ngược đãi, vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, đánh bạc, ngoại tình. |