Sau khi nhiều ĐB đề cập đến tác động của thủy điện đối với lũ lụt, sạt lở và đề nghị phải phục hồi rừng bằng cây gỗ lớn, cây bản địa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trao đổi tại hội trường.
Bộ trưởng cho rằng đến nay diện tích rừng ở Việt Nam đạt 14,6 triệu ha, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Vấn đề phục hồi rừng tự nhiên, cần phải “từng bước” vì 30 năm là thời gian chưa đủ.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng: bảo vệ môi trường cần phải bắt nguồn từ giáo dục để thay đổi tư duy. Ảnh: QH
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) không đồng tình. Ông nói: “Các con số trên thực tế cho thấy rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, bão lụt, sạt lở ngày càng để lại hậu quả nặng nề, năm nay hơn năm khác”.
Theo ĐB Hiếu, vừa trở về từ miền Trung, ông thấu hiểu tình cảm của cả nước đối với cả khúc ruột yêu thương này. Nhưng thảm họa sẽ xảy ra bất cứ lức nào trên dải đất hình chữ S nếu không thay đổi.
“Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công trong lõi rừng hay thủy điện "cóc" tiếp tục được duy trì hoạt động thậm chí được cấp phép mới. Sẽ xảy ra những đợt lũ lịch sử, những tang thương nữa” - ĐB Hiếu nói.
Ông đề xuất phải thay đổi cách làm và nhận thấy những sai lầm trong quá khứ dù việc này rất khó; thay đổi trên văn bản, chỉ đạo, nghị quyết thì dễ nhưng thay đổi trong tư duy là rất khó.
“Mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp, khoe với khách đến nhà cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương, lim, sến, táu rồi tự huyễn hoặc gỗ này được nhập từ Lào, Myanmar, không phải phá rừng đặc dụng tại Việt Nam” - ĐB Hiếu nêu.
Lấy Philipines là quốc gia chịu nhiều bão nhất Đông Nam Á làm ví dụ, ĐB Hiếu nói có thể học từ họ. Họ giữ rừng già, giữ ngọn núi cao còn hơn con ngươi của mắt mình. Vì họ biết đây là thành trì quan trọng nhất để giữ đất nước, con người trước sự giận dữ của thiên nhiên. Cơn bão số 10 đập vào rừng già, dãy núi của Philipines đã bị giảm cấp là một thí dụ rất rõ ràng.
“Bảo vệ môi trường phải thay đổi từ tư duy, tư duy bắt đầu từ giáo dục. Với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành tư duy mạch lạc, năng động, hướng thiện là vô cùng khó khăn. Chúng ta hình dung một cháu bé vào lớp 1 với cuốn sách giáo khoa chưa học đã phải thay đổi, sửa chữa đính chính; một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và không nói thật” - ĐB Hiếu phân tích.
Ông tin rằng: Việt Nam sẽ có rất nhiều người trẻ tuổi, thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng nhưng ngập tràn lòng trắc ẩn như đôi vợ chồng Công Vinh- Thủy Tiên. Tinh thần tương thân, bác ái là bản chất, truyền thống của dân tộc. Vì thế, ĐB Hiếu nói chỉ nên suy nghĩ tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thực sự khó khăn nhận được sự giúp đỡ chí công và lòng yêu thương con người sẽ ngày càng được nhân rộng.
Khẳng định bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm, quy luật của thiên nhiên, ĐB Hiếu nói không thể dùng lòng tốt để khắc phục hậu quả từ năm nay qua năm khác. “Chúng ta phải có chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược đó phải được bàn bạc ở cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực” - ông đề xuất.
Các vấn đề theo ông cần tập trung là: nước thượng nguồn của dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan xây các đập, vận hành các đập thủy điện mới, cũ. Cập nhật bản đồ sạt lở các tỉnh thành phố trong cả nước, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, cảnh báo lũ sớm hiệu quả hơn, hay có sẵn những khu tập trung cho người dân tránh nạn khi lũ lụt.
“Có vậy người dân, mà thực tế là những người nghèo, yếu thế, ngành chức năng, công an, y tế mới tránh được tổn thất” - ĐB Hiếu kết thúc tranh luận.