Đương kim Thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng. Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam nhiệm kỳ 2006-2011 là ông Nguyễn Minh Triết. Trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam hồi thập niên 1960, chế độ "Việt Nam Cộng hòa" ở miền Nam Việt Nam có các “chính khách” như Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Khánh, Nguyễn Xuân Oánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Văn Lộc.
Thực sự, Nguyễn là họ phổ biến nhất ở Việt Nam – ước tính 40% số dân ở quốc gia này (và cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại) mang cái họ đó, theo tờ Tuổi Trẻ News của Việt Nam. Nếu tính đến thực tế dân số Việt trên toàn cầu lên tới 94 triệu người thì tỷ lệ phần trăm nói trên đồng nghĩa với việc có khoảng 38 triệu người thuộc nhóm họ Nguyễn.
Mức độ áp đảo của họ Nguyễn – dựa trên tỷ lệ phần trăm, thậm chí còn vượt qua cả mức độ phổ biến của họ Kim và họ Park ở Hàn Quốc/Triều Tiên, họ Singh và Patel ở Ấn Độ, và họ Smith và Jones ở các nước Anglo-Saxon.
Chiếm ưu thế ở cả hải ngoại
Chúng ta hãy cùng xem xét tình hình ở Australia, nơi dân số người Việt vào khoảng 220.000. Từ tận năm 2006, hãng Associated Press của Australia (AAP) đã thông tin rằng dù cộng đồng người Việt ở nước này có quy mô tương đối nhỏ, họ Nguyễn đã là cái họ phổ biến thứ 7 ở quốc gia kangaroo, sau các họ Anh-Scotland-Ireland như là Smith, Jones, Williams, Brown, Wilson, và Taylor.
Thời điểm đó, Michael Dove, quản lý của công ty MD&A có trụ sở ở Melbourne chuyên phân tích dữ liệu về họ người, đã nói với hãng AAP: “Dữ liệu này phản ánh mức độ đa dạng về nguồn gốc văn hóa. Một trong những điều bất ngờ có lẽ là việc trong các họ không phải gốc Anh, các họ gốc Á chiếm ưu thế lớn”.
Dove nhắc đến việc những người nhập cư vào Australia đến từ nhiều nơi trên thế giới và lưu ý rằng các họ của người Hy Lạp và Italy thường đa dạng hơn họ của người Việt Nam, người Trung Quốc và Hong Kong. (Đã vậy, tổng dân số Hy Lạp trên toàn cầu chỉ vào khoảng 20 triệu người, bằng chưa đầy 1/4 dân số người Việt trên toàn cầu).
Khi ấy hãng News Limited Network nhận xét rằng họ Nguyễn đã được xếp hạng phổ biến thứ 2 ở Melbourne và thứ 3 ở Sydney – hai thành phố lớn nhất của Australia.
Nhà nhân khẩu học Bernard Salt khi đó còn tự tin dự đoán với News Limited Network: “Họ Nguyễn sẽ thay thế Smith ở Melbourne và Sydney trong vòng 10 năm tới”.
Sự nổi lên của dòng họ Nguyễn
Người ta tin rằng tên họ Nguyễn bắt nguồn từ tên họ bên Trung Quốc, đó là họ “Ruan” (phiên âm Latin theo tiếng Quan thoại) và Yuen (theo tiếng Quảng Đông), do lịch sử phong kiến Trung Quốc đô hộ Việt Nam cả nghìn năm. Theo thăng trầm của lịch sử, có những lúc các triều đại ngoại bang hoặc nội tộc đã ép người dân Việt phải theo họ này (đôi khi bằng vũ lực, thậm chí là dọa giết). Các cá nhân nhiều khi cũng tự nguyện lấy họ này vì nhiều nguyên do khác nhau.
Vào cuối thế kỷ 19, nhà Nguyễn lên nắm quyền ở Việt Nam sau khi thống nhất đất nước. Điều này một lần nữa thúc đẩy làn sóng đổi họ và lấy họ Nguyễn. Triều đại này cai trị cho đến hết Thế chiến thứ 2, và trong suốt thời gian đó họ đã ban phát họ vua cho rất nhiều người.
Esther Tran Le, một nhà báo Mỹ gốc Việt ở New York, có nói rằng họ Nguyễn là họ của triều đại phong kiến Việt Nam cuối cùng.
Bà cho biết: “Niên hiệu vị vua cuối cùng là Bảo Đại, nhưng ông ta tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Nhiều họ của người Việt hiện nay bắt nguồn từ họ của vị cựu hoàng này”.
Tiến sĩ này cho biết thêm, “Những người khác lấy họ Nguyễn vì mục đích chính trị và cá nhân, như là để dễ xin việc, có thêm điều kiện thuận lợi...”.
Và do vậy, họ Nguyễn không nhất thiết thể hiện nguồn gốc vùng miền, giai tầng hay dòng họ.
Tiến sĩ Nguyen Vo Thu Huong, Phó Giáo sư tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á và Khoa nghiên cứu người Mỹ gốc Á của Đại học California (Los Angeles) nói: “Tự bản thân cái họ này không liên quan gì đến địa vị xã hội, trừ phi nó kết hợp với chữ Phúc trong tổ hợp họ của triều đại cuối cùng (tức là họ Nguyễn Phúc – ND)”.
Nhiều người họ Nguyễn như thế thì có sợ nhầm lẫn không?
Trước thực tế đâu đâu trong xã hội Việt Nam cũng có người họ Nguyễn, ai đó có thể nghĩ rằng điều này sẽ gây ra nhiều nhầm lẫn trong giao tiếp hàng ngày.
Tuy nhiên kịch bản trên được khắc phục một cách đáng kể nhờ vào thói quen của người Việt chủ yếu sử dụng tên riêng (chứ không phải tên họ như ở phương Tây hoặc Trung Quốc) để gọi nhau.
Đa phần người Việt có 3 tên: họ, tên giữa, và tên cuối (tên riêng).
Chẳng hạn như trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tên họ của ông là Nguyễn, tên đệm là Tấn, và tên riêng là Dũng.
Không như thông lệ phương Tây, Thủ tướng Việt Nam thường được đề cập là “ngài Dũng” trên truyền thông hoặc thi thoảng trong các sự kiện lễ nghi chính thức nào đó.
Trái lại, ở phương Tây, đương kim Thủ tướng Anh David Cameron chỉ được gia đình và bạn bè thân gọi là David (tên riêng), trong khi truyền thông và công chúng gọi ông là “Cameron” hoặc “ngài Cameron” (họ).
Có một số tên họ khác cũng phổ biến ở Việt Nam, như là Trần, Lê, Phạm nhưng họ Nguyễn vẫn áp đảo hoàn toàn.
Khi cộng đồng người Việt ở Australia, Pháp, Canada, và Mỹ gia tăng số lượng và ảnh hưởng chính trị thì chúng ta có lẽ sẽ lại chứng kiến một làn sóng mới các nghị sĩ và nhân vật của công chúng mang họ Nguyễn”./.