Tham dự lễ trao giải có Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thân Thị Thư, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu, lãnh đạo Hội Nhà báo TP.HCM cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo TP.HCM.
Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP và bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP, trao giải thưởng cho những công trình tập thể đạt giải. Ảnh: THANH TUYỀN
Phát biểu tại buổi lễ, bà Thân Thị Thư đã gửi lời chúc mừng đến đội ngũ những người làm báo. Bà nhận định trong nhiều năm qua, nhiều thế hệ nhà báo đã phản ánh đa dạng nhịp đập đời sống của xã hội, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tạo động lực cho sự phát triển.
Qua đây, bà cũng mong rằng các nhà báo sẽ không ngừng nâng cao tư tưởng của mình, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, định hướng dư luận xã hội tốt, luôn giữ vững tư cách của một nhà báo cách mạng...
Ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho biết chủ đề của giải báo chí năm nay là đưa nghị quyết vào cuộc sống. Các tác phẩm tham gia giải lần này đã góp phần phản ánh hơi thở của đời sống, vào sự thay đổi và phát triển của TP.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trao giải cho các tác phẩm đạt giải nhì nhóm 2. Báo Pháp Luật TP.HCM đạt giải nhì với tác phẩm "Công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi". Ảnh: THANH TUYỀN
Trong năm nay, có tất cả 239 tác phẩm báo chí của 20 cơ quan báo chí tham gia dự thi và có 149 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Hội đồng chấm giải quyết định trao giải thưởng cho 70 tác phẩm.
Ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP, cho biết thêm sở dĩ năm nay có nhiều giải thưởng không phải do hội đồng chấm dễ dãi trong thẩm định mà chính vì chất lượng của các tác phẩm dự giải đã tạo được hiệu ứng xã hội tốt.
Năm nay báo Pháp Luật TP.HCM đã giành được bốn giải thưởng, cụ thể như sau: Giải nhì nhóm 2 (bình luận, chuyên luận, xã luận) thuộc về tác phẩm “Công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi” của nhóm tác giả Trần Vũ, Nghĩa Nhân, Thanh Tùng, Gia Tuệ; giải ba nhóm 3 (phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí) với tác phẩm “Tuổi 19 và quyết định hiến tạng mẹ cứu 4 người” của tác giả Hà Phượng; một giải khuyến khích nhóm 3 (phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí) với loạt hai bài “Phận đời bên gánh hàng rong” của tác giả Thanh Tuyền; giải ba nhóm 5 cho công trình tập thể “Chương trình truyền hình Người Sài Gòn tử tế”.
Các tác giả đoạt giải ở nhóm 3 (phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí) lên nhận giải. Ảnh: THANH TRANG
Trong số bốn giải nhất, báo Tuổi Trẻ đạt ba giải nhất, gồm giải nhất nhóm 2 (bình luận, chuyên luận, xã luận) với tuyến bài "Hãy trỗi dậy, Việt Nam" (của nhóm tác giả PGS-TS Vũ Minh Khương, Đỗ Thị Ngọc Hà, Nguyễn Tuấn Quỳnh, Vũ Viết Tuân, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Vũ Thị Như Bình); giải nhất nhóm 3 (phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí) với tuyến bài "Đường đi của cát Việt ra nước ngoài" của nhóm tác giả Nguyễn Hoài Phong (bút danh Vân Trường), Nguyễn Tri Anh (bút danh Lê Nam); giải nhất nhóm 5 (công trình tập thể) với công trình ghi nhận 9.500 ý kiến đóng góp cho TP.HCM "TP.HCM và khát vọng vươn lên".
Giải nhất còn lại thuộc về báo Sài Gòn Giải Phóng với tác phẩm “Trên chỉ đạo, dưới thờ ơ” thuộc nhóm 4 (phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh) được trao cho báo của nhóm tác giả Vân Anh - Ái Chân - Hồng Hiệp.