Liên quan đến vụ bắt cá heo rồi cắt đầu, mổ bụng nghi ở vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang), trưa 11-11, ông Hà Thế Phong - Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc cho biết: “Tổ công tác của Ban quản lý cùng ngành chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ, trong đó có việc truy tìm chủ tàu cũng như những người có liên quan để làm việc và xử lý theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ vi phạm”.
Cũng theo ông Phong, vùng biển Phú Quốc được xem là môi trường lý tưởng để các loài cá quý hiếm như cá heo, Dugong (bò biển) đến sinh sản do có nguồn thức ăn phong phú. Riêng đối với đàn cá heo thường di chuyển từ vùng biển lân cận như Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia về đây để sinh sản. Thời gian vừa qua, một số người lén lút đánh bắt và xẻ thịt nên số lượng cá heo cũng bị suy giảm đáng kể.
“Nếu xác định được nhóm người sát hại cá heo như trên mạng xã hội đã đăng tải thì chúng tôi sẽ có đề xuất xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng. Trường hợp phát hiện đánh bắt cả Dugong thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - ông Phong cho hay.
Trước đó, ngày 10-11, trên mạng xã hội Người Phú Quốc lan truyền một số hình ảnh cho thấy một nhóm người bắt được một con cá heo. Sau đó nhóm này cắt đầu, mổ bụng cá trong tâm trạng hết sức phấn khích. Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc sau khi nắm thông tin đã lập tổ công tác và xác định đây là tàu lưới vây của Kiên Giang. Tuy nhiên, chưa điều tra được số tàu và nhóm người trên có phải là người địa phương hay không.
Sau khi những hình ảnh sát hại cá heo được đăng tải, cộng đồng mạng cũng đã có rất nhiều ý kiến phản đối và đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm hành vi này.
Nghị định 103/2013/NĐCP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản Điều 7. Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng: 3. Mức phạt đối với một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, có thứ hạng rất nguy cấp (CR) như sau: d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sinh từ 30 kg trở lên. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu thủy sinh quý hiếm và sản phẩm của chúng đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này; b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ một tháng đến ba tháng đối với các hành vi khai thác quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc thả số thủy sinh quý hiếm còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này; b) Chuyển giao số thủy sinh quý hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này. |