Anh Huỳnh Văn Út (Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án (THA) huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) là người trực tiếp tham gia nhiều vụ cưỡng chế THA buộc giao con cho người được quyền nuôi dưỡng. Anh Út cho biết cưỡng chế giao tài sản dễ hơn rất nhiều so với cưỡng chế giao một đứa trẻ vì không thể quyết tâm thực hiện đến cùng.
Người mẹ trẻ này đang yêu cầu Chi cục THA huyện Trảng Bàng giúp chị được quyền nuôi con sau khi ly hôn theo quyết định của tòa án, cháu bé hiện đang ở với cha. Ảnh: HM
“Bắt” con vì quá giận vợ cũ
Một trong những vụ đội THA phải hoãn cưỡng chế vì người cha ôm con bỏ trốn xảy ra ở ấp Lộc Thuận (xã Hưng Thuận, Trảng Bàng). Người cha tên ĐVNTr đã “bắt” con gái mới hai tuổi vì giận vợ cũ.
Theo hồ sơ, anh Tr. lấy vợ ở huyện Cần Đước, Long An. Cuộc sống chung của hai vợ chồng sau hôn nhân đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa người vợ và gia đình bên chồng. Vợ anh kiên quyết xin ly hôn. Trong thời gian đợi tòa giải quyết, chị bỏ về Long An ở chung với mẹ ruột.
Khi ra tòa, cả hai vợ chồng đều giành quyền nuôi con, tòa quyết định giao con cho mẹ nuôi dưỡng.
Anh Tr. và cả gia đình anh kiên quyết không chấp hành phán quyết của tòa. Mẹ của đứa trẻ làm đơn yêu cầu THA. Chi cục THA thông báo cho anh 15 ngày tự nguyện giao con nhưng anh không chấp hành. Anh Huỳnh Văn Út tìm gặp anh Tr. hỏi nguyên do, anh Tr. cho biết vì giận vợ anh quá đáng, con chưa thôi bú mà dứt áo về nhà mẹ đẻ, dám… khởi đơn ly hôn. Anh Út lựa lời giải thích, khuyên anh Tr. chấp hành phán quyết của tòa. Nếu muốn nuôi con thì sau này anh có thể làm đơn yêu cầu tòa thay đổi quyền nuôi con. Việc cố ý bắt con, tách cháu bé khỏi mẹ là phạm luật. Nhưng người cha vẫn bảo thủ, kiên quyết từ chối: “Tui là cha nó, con tui tui có quyền”.
THA buộc phải làm thủ tục cưỡng chế. Khi đội cưỡng chế tới, anh Tr. ôm con phóng qua rào bỏ trốn. Để đảm bảo an toàn cho cháu bé, đội cưỡng chế đã không truy đuổi theo. Sau đó THA ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh Tr. Kết quả là anh lên xã đóng phạt chứ nhất định không chịu giao con.
Giấu con để… mong đoàn tụ với vợ
Anh PHD (ấp Tân Thuận, xã Hưng Thuận, Trảng Bàng) lấy vợ cùng xã, khác ấp. Sau khi ly hôn vì không hòa hợp, tòa án quyết định trao quyền nuôi con cho người mẹ bởi cháu bé mới hai tuổi. Anh D. và gia đình bất chấp phán quyết của tòa, giấu biệt đứa trẻ. Anh Huỳnh Văn Út tìm gặp để hỏi chuyện, anh D. cho biết vì anh còn thương vợ nên giấu con để… mong đoàn tụ với vợ. Vợ cũ của anh rất quyến luyến con và sợ mất con, anh hy vọng cách này sẽ giúp… kéo vợ về.
Anh Út đã giải thích, động viên anh trao con cho vợ rồi tìm cách hàn gắn sau nhưng anh D. quyết giữ đứa bé để tạo áp lực buộc vợ quay về.
Đội THA buộc phải cưỡng chế khi biết anh đang chơi với con trong nhà. Không ngờ, khi đội THA đến, anh ôm con nhảy lên xe máy, một tay ôm con, một tay kéo ga bỏ chạy. Tình huống này quá nguy hiểm cho cháu bé nên đội THA đành hoãn cưỡng chế.
Quyết định xử phạt hành chính được gửi đến cho anh D. nhưng anh “chấp hết”, không đóng phạt. Khoảng thời gian đó, tâm lý anh D. rất bất ổn, sẵn sàng chống đối tới cùng.
Và những lần đàm phán
Anh Huỳnh Văn Út liên hệ với UBND xã Hưng Thuận nhờ phối hợp giải quyết hai vụ kể trên. Các hội, đoàn thể xã đã gặp anh Tr. và anh D. thuyết phục, vận động các anh giao con, đồng thời giải thích những hậu quả pháp lý nếu quyết tâm chống quyết định của tòa án.
Tiếp đó, hai mũi “tấn công” được triển khai.
Một mặt, đội THA mang hồ sơ qua bên công an huyện và nhờ đến công an can thiệp. Công an đã mời những ông bố “bắt” con lên làm việc và cho biết sẽ phải đối mặt với án hình sự nếu không chịu giao con. Lúc này cán bộ ủy ban xã nhờ người lớn tuổi và có uy tín đến nhà tác động đến gia đình. Ông bà nội của những đứa trẻ dù muốn giữ cháu nhưng đã nao núng, sợ cha cháu phải đi tù nên đã hợp tác, nhượng bộ.
Mặt khác, đội THA liên hệ với mẹ của những đứa trẻ, làm cầu nối để cha mẹ chúng có thể nói chuyện với nhau, phân tích những được, mất khi bất hợp tác với cơ quan thực thi công vụ. Kết quả, sau một thời gian “đàm phán”, hai người cha đã đồng ý giao con cho hai người mẹ và cam kết không “bắt cóc” con nữa. Người mẹ cũng đã rút đơn yêu cầu THA.
Vai trò của các hội, đoàn thể ở địa phương rất lớn Mỗi khi bên THA nhờ phối hợp giải quyết cưỡng chế giao con, xã đều chỉ đạo cho bên UBMTTQ, hội phụ nữ, hội nông dân thuyết phục và hòa giải trước. Có nhiều vụ khi qua thuyết phục, hòa giải họ đã thay đổi suy nghĩ và chấp hành rồi nhưng cũng có nhiều vụ rất khó. Từ đầu năm đến nay ở xã có năm vụ tranh chấp liên quan đến hôn nhân gia đình, xã đã hòa giải được ba vụ, một vụ đương sự đồng ý rút đơn, chỉ còn một vụ không hòa giải được. Ở địa phương làm tốt việc hòa giải, ở cấp huyện sẽ được giảm áp lực rất nhiều. |
Ông PHẠM VĂN HÀ, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thuận Tiêu điểm …Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Theo Điều 12 Luật Thi hành án dân sự |
HỒNG MINH