Bắt mạch LĐBĐ VN

Trong khi ông Hà Quang Dự (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT) đề cập đến quan hệ mất đoàn kết giữa LĐBĐ VN và VPF là do VPF muốn làm thay LĐBĐ VN thì ông Trần Bảy (nguyên Tổng Thư ký LĐBĐ VN) lại nói rằng tại Liên đoàn đẻ con mà không biết dạy và để “con trèo lên đầu” rồi đòi cả quyền làm “chủ hộ”, quyền thừa kế…

Ông Dự nói rằng ngay từ đầu chính LĐBĐ VN đã không rành mạch chuyện lập ra VPF và trao quyền cho VPF nên hai phía nảy sinh mâu thuẫn.

Nói về ý trên, ông Trần Bảy phân tích sâu xa hơn: “Bây giờ ở LĐBĐ VN không ai có chính kiến cả, kể cả những người được đặt vào trong lòng VPF để “giám sát” hoạt động của VPF. Tôi ngạc nhiên khi các quan chức của LĐBĐ VN có chân trong VPF thì họ lại “trung thành” với “cơ quan mới” mà chống cả LĐBĐ VN. Tôi giả sử LĐBĐ VN sai thật đi thì tại sao với tư cách là người ủy viên thường vụ của LĐBĐ VN, những người ấy không phản biện cho chính tổ chức mà mình là thành viên? Tôi nói điều này để khẳng định chính trong đội ngũ LĐBĐ VN cũng có những người cơ hội và không vì cái chung hoặc đánh mất mình nhanh quá…”.

Bắt mạch LĐBĐ VN ảnh 1

VPF là “con” của LĐBĐ VN nhưng có lúc lại bị hiểu là họ làm thay cả việc của LĐBĐ VN. Ảnh: QUANG THẮNG

Dưới góc độ của người từng làm công tác quản lý, ông Dự chỉ ra phần nổi của vấn đề: “LĐBĐ VN là cơ quan chịu trách nhiệm trước Bộ VH-TT&DL, trước Nhà nước về các vấn đề liên quan đến bóng đá Việt Nam nhưng thời gian qua tôi thấy những phát biểu của LĐBĐ VN và VPF có sự lẫn lộn vị trí với nhau. Việc ra đời của VPF là cần thiết nhưng nếu trục trặc như thế này cơ quan quản lý nhà nước là Bộ VH-TT&DL phải làm rõ vị trí của LĐBĐ VN và VPF chứ không thể lẫn vào nhau và ai cũng muốn quyền to được”.

Trong khi đó, ông Trần Bảy từng là cấp dưới của ông Dự nhưng lại là người giữ vị trí cao của LĐBĐ VN thời đấy lại có góc nhìn khác: “Ở các nước trên thế giới, người ta đẻ ra một công ty như VPF để chuyên trách những phần việc chứ không phải để chuyên quyền. LĐBĐ VN chính là đơn vị trao quyền cho VPF giống như ông bố thấy con trưởng thành và tin tưởng trao quyền cho con mình. Đằng này thì LĐBĐ VN bị đánh tới tấp sau một mùa giải rồi sợ các ông bầu quá nên họ đề nghị gì của các ông bầu họ cũng gật. Cái chết của bóng đá Việt Nam là mấy anh nắm vai trò cốt cán trong LĐBĐ VN không có dũng khí, không đủ cơ để khẳng định chủ quyền của mình nên mới bị kẻ hợp tác làm những việc như muốn thay cả LĐBĐ VN. Về mặt này thì tôi cũng trách cả cơ quan quản lý LĐBĐ VN về mặt nhà nước là Tổng cục TDTT, là Bộ VH-TT&DL…”.

Ông Dự phân tích việc LĐBĐ VN là cổ đông lớn nhất tại VPF nhưng không có tiếng nói ở VPF nói lên việc LĐBĐ VN rất ngây thơ trước các ông bầu rất sâu sắc trong việc biến cổ phần ít của nhiều đội bóng thành sức mạnh và tiếng nói chính của công ty. Ông Dự đưa ra kết luận rằng quản lý bóng đá không giống kinh doanh hàng hóa vì bóng đá là xã hội và việc LĐBĐ VN có nhiều cổ phần nhưng không có trọng lượng là điều dễ hiểu.

Đề cập về vấn đề trên, ông Trần Bảy chỉ nói ngắn gọn: “LĐBĐ VN đang bị lấy thịt đè người. Họ không có đủ “trí” lẫn “lực” nên cứ phải nhận đủ thứ đòn và đấy là do bộ máy LĐBĐ VN quá kém trong quản lý lẫn ứng xử”.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm