Chiều 18-11, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND Quận 1 về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn quận 1.
Bất ngờ trước số lượng học sinh có vấn đề về tâm lý
Chia sẻ về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, bà Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng trường THPT Ten Lơ Man cho biết nhà trường gặp khó khăn về thiết bị dạy học cũng như đội ngũ nhân sự để thực hiện chương trình.
Bà Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng trường THPT Ten Lơ Man, quận 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Năm nay lớp 10 theo chương trình mới có hoạt động bắt buộc là nội dung giáo dục địa phương. Tuy nhiên nội dung này đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thể triển khai vì chưa có sách giáo khoa. Trong khi đó hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp không có giáo viên chính quy, trường phải để giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm.
“Vấn đề khiến tôi lo lắng hiện nay từ sau dịch, số lượng học sinh của trường gặp vấn đề tâm lý ngày càng nhiều. Nhiều em bị hoang tưởng, thậm chí có em có ý định tự tử, nhảy lầu. Có em thậm chí suýt nữa đã gây hại cho bạn, may trường phát hiện kịp và làm việc với gia đình để đưa em đi hỗ trợ.
Đối với các em có vấn đề về tâm lý cần sự hỗ trợ của chuyên viên kịp thời nhưng nhà trường không có đội ngũ này. Giáo viên chủ nhiệm hay bộ môn đều không có thời gian vì hiện tại các thầy cô đã vất vả với công việc chuyên môn. Do đó trường kiến nghị phải có đội ngũ chuyên viên tâm lý” - bà Thơm bày tỏ.
Tại trường THPT Ten Lơ Man, tất cả ban lãnh đạo đều tham gia giảng dạy lớp 10. “Bản thân tôi dạy môn ngữ văn, tất cả nội dung đều mới, giáo viên phải vất vả khi tiếp cận và phải tự học hỏi để nâng cao trình độ đáp ứng với chương trình”- bà Thơm cho hay.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo trường THPT Ten Lơ Man kiến nghị các cơ quan ban ngành hỗ trợ thêm kinh phí để các trường đầu tư về cơ sở vật chất cũng như thiết bị.
Bà Thơm cũng hy vọng sẽ tiếp tục duy trình những chính sách cho giáo viên hiện tại và có thêm những chính sách mới để giáo viên yên tâm công tác.
Lương thấp khó thu hút giáo viên
Thiếu giáo viên là tình trạng nhiều trường tại địa bàn quận 1 đang gặp phải khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bà Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1 cho biết năm học này trường thiếu 11 giáo viên trong đó 9 giáo viên nhiều môn, 1 giáo viên tiếng anh và 1 tin học. Trong đợt tuyển dụng vừa rồi chỉ có 4 ứng viên ứng tuyển.
Bà Tần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thái Học phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
“Thực tế tại trường năm nào cũng có từ 2 đến 3 giáo viên nghỉ việc. Lý do, một số thầy cô có hộ khẩu ở tỉnh sau thời gian công tác thì chuyển về quê để ổn định. Bên cạnh đó, có những bạn tâm tư, dạy 5 năm lương chỉ 7 triệu trong khi phải thuê nhà, sinh hoạt cuộc sống không đủ chi phí nên xin sang trường quốc tế làm việc.
Năm nào trường cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên kéo dài. Trường có hợp đồng thỉnh giảng nhưng lực lượng này không như giáo viên cơ hữu, khi không phù hợp dù đang giảng dạy, họ cũng xin nghỉ”- bà Hạnh nói.
Hiện trường Tiểu học Nguyễn Thái Học đang thực hiện chương trình tiến tiến chất lượng cao. Theo dự thảo về mức thu mới vẫn chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng. Mức thu này rất khó để trường có thể duy trì và triển khai các hoạt động theo chương trình riêng vào buổi 2.
“Đối với trường tiên tiến, yêu cầu về giáo viên cao hơn trường thường, công việc nhiều hơn nhưng chế độ chính sách cũng không có gì khác biệt do đó khó thu hút đội ngũ về làm việc tại trường” - bà Hạnh nói.
Tương tự, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường THCS Minh Đức, quận 1 cho biết do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên trường chưa thể tuyển được nhân viên công nghệ thông tin như mong muốn.
“Trước đây, trường có tuyển được một người rất có năng lực. Tuy nhiên làm được 2 năm bạn này xin nghỉ dù ngoài lương trường có phụ cấp thêm nhưng vẫn không đúng như kỳ vọng. Hiện, trường vẫn tiếp tục tuyển nhưng rất khó tuyển được người giỏi do mức đãi ngộ của mình chưa tương xứng” - bà An chia sẻ.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Liên quan đến vấn đề trang thiết bị dụng cụ học tập, hiện các trường trên địa bàn quận 1 đều ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Thầy cô ít sử dụng bản đồ giấy, chủ yếu sử dụng bản đồ đồ họa để tạo điều kiện cho học sinh dễ tiếp cận. Tuy nhiên điều đáng nói, các trường vẫn phải mua sắm đồ dùng dạy học tối thiểu như bản đồ theo quy định vì nếu kiểm tra không mua sẽ bị thiếu nhưng việc mua không dùng đến sẽ gây lãng phí. Do đó, thiết nghĩ về vấn đề này cần phải xem xét có sự phù hợp.
Bên cạnh đó, hiện nay việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị trải qua nhiều quy trình, mất thời gian và phức tạp.
Liên quan đến việc dạy môn tích hợp, bà An cho biết trường đã cho giáo viên đi tập huấn và phân một giáo viên sẽ đảm nhiệm bộ môn này.
“Tuy nhiên đến thời điểm này lớp 6, 7 có thể đảm bảo nhưng lên lớp 8, lớp 9 tôi hơi lo ngại. Giáo viên có thể dạy nhưng để giải đáp chuyên sâu những vấn đề học sinh hỏi thì hơi khó. Nhiều thầy cô lo lắng, có giáo viên lớn tuổi cho rằng nếu không dạy được sẽ nghỉ việc” - bà An tâm tư.
Trước những khó khăn trường gặp phải, bà An kiến nghị phải có chính sách ưu đãi đối với giáo viên đặc biệt là nhân viên công nghệ thông tin. Bởi muốn có thầy giỏi thì phải có chính sách hợp lý, hy vọng chế độ dành cho nhân viên công nghệ thông tin sẽ khác với nhân viên thiết bị thư viện. Bên cạnh đó, quy trình sửa chữa mua sắm cần phải đơn giản hơn.
“Bản thân tôi nghĩ rằng đây không chỉ là vấn đề riêng của trường tôi mà còn là tiếng nói chung của các trường trên địa bàn quận 1”- bà An nói.
Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, quận 1 có nhiều thuận lợi như đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, 100% được học ngoại ngữ và tin học từ năm lớp 1; sĩ số bình quân lớp 1 là 32 học sinh/lớp (trường công lập) và 25 học sinh/lớp (trường ngoài công lập), 79,86% học sinh THCS học 2 buổi/ngày
(Bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 1)