Trăn trở của giáo viên khi dạy môn tích hợp

(PLO)- Quận Bình Tân (TP.HCM) kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét việc thực hiện bộ môn tích hợp tại bậc THCS.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-11, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND quận Bình Tân về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn quận Bình Tân.

Thiếu giáo viên giảng dạy một số môn

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Suốt, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Bình Tân), cho biết việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại trường gặp khó khăn do thiếu giáo viên (GV) giảng dạy một số môn.

Quận Bình Tân kiến nghị Sở Nội vụ TP.HCM xem xét tham mưu UBND TP.HCM sớm giao bổ sung 1.481 biên chế cho khối sự nghiệp GD&ĐT quận Bình Tân để kịp thời tổ chức tuyển dụng GV cho các trường.

LÊ THỊ NGỌC DUNG, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân

Cụ thể, các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý; số GV dạy các môn nghệ thuật, giáo dục công dân còn thiếu cục bộ; môn hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương chưa có GV.

Mặt khác, trường gặp khó khăn khi dạy môn tích hợp do chưa có GV chính quy bộ môn này. Vì thế, GV sau khi được tập huấn sẽ đảm nhiệm. Cụ thể, GV dạy sinh học sẽ dạy thêm các môn vật lý, hóa học; GV dạy địa lý sẽ dạy thêm lịch sử.

Để có thể dạy tốt, GV trong trường họp liên tục, họp trực tuyến, họp trực tiếp. “Điều khiến tôi băn khoăn, từ việc nhiều GV chia sẻ: “Em rất sợ khi lên lớp dạy môn tích hợp bài khó. Em sợ học sinh (HS) sẽ hỏi những nội dung mình không nắm rõ”. Tất nhiên thầy cô sẽ có cách trả lời nhưng đó là một trong những áp lực khi thầy cô phải dạy môn này do chưa được đào tạo ở trường sư phạm” - bà Suốt bày tỏ.

Về việc lựa chọn sách giáo khoa, theo bà Suốt, GV chỉ nghiên cứu được bản mẫu sách giáo khoa qua bản điện tử, nghiên cứu nhiều bộ sách trong thời gian tương đối ngắn nên việc đánh giá bộ sách chưa chính xác.

Điều chỉnh việc tích hợp, ghép môn

Bà Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Bình Tân), cho hay đến thời điểm này nhà trường chưa nhận được bản giấy tài liệu giảng dạy giáo dục địa phương TP.HCM cả ba khối lớp 1, 2, 3.

Nhà trường thiếu phòng học bộ môn tiếng Anh. Các thiết bị phục vụ chương trình lớp 2, 3 vẫn chưa về mặc dù trường đã đăng ký trang bị. Nhà trường chỉ có một phòng máy có thể sử dụng để giảng dạy tin học cho HS (một phòng máy với 45 máy tính bị hư hỏng không thể sửa chữa), vì vậy khó đáp ứng cho việc thực hiện đề án Tin học 762.

Bà Nguyễn Thị Suốt, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Bình Tân), chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Bà Nguyễn Thị Suốt, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Bình Tân), chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nhìn nhận được những khó khăn các trường đang gặp phải, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết việc bố trí GV dạy các môn tích hợp, các môn học mới ở cấp THCS còn bất cập. Cụ thể, các GV chỉ được đào tạo để dạy đơn môn nên việc bố trí giảng dạy đối với các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý gặp nhiều khó khăn. Vì thế, UBND quận Bình Tân kiến nghị với Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu xem xét, điều chỉnh việc tích hợp, ghép môn ở cấp THCS; nếu không hợp lý, hiệu quả thì tách riêng các phân môn. Nội dung giáo dục địa phương phân môn nào trả về phân môn đó. Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nên xây dựng thực chất hơn, tránh lý thuyết suông.

Sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT

Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ đối với những HS học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để làm cơ sở cho các trường có những định hướng dạy học phù hợp. Từ đó, HS có sự chuẩn bị, tập trung học tập ngay từ đầu nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu của kỳ thi.

Hiện nay việc lựa chọn môn học và định hướng nghề nghiệp ở lớp 10 của một số HS còn cảm tính, chưa thật hiểu biết đầy đủ về nghề nghiệp lựa chọn. Do đó, trường kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn thống nhất về việc quy định HS thay đổi môn học lựa chọn, chuyên đề học tập tự chọn sau mỗi năm học… Mặt khác, bộ cũng cần sớm đào tạo GV các môn âm nhạc, mỹ thuật để các trường có nguồn nhân sự ổn định đáp ứng nguyện vọng phong phú của HS.

Ông TRẦN PHƯỚC ĐỨC, Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc (quận Bình Tân)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm