Buổi trò chuyện thú vị của GS người Mỹ về ‘học cách học’ tại trường ĐH VinUni

(PLO)- GS Barbara Oakley – người nổi tiếng thế giới với khóa học “Learning How to Learn” – mới đây đã tới trường ĐH VinUni để chia sẻ về phương pháp học tập hiệu quả với hàng nghìn giảng viên, giáo viên và học sinh phổ thông ở Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tự thay đổi bộ não để biến môn học khó ưa thành niềm đam mê

GS Barbara Oakley (Đại học Oakland Michigan, Hoa Kỳ) kể thời trẻ bà là một cô gái ghét môn Toán, Khoa học, thậm chí coi chúng như “thuốc độc”.

“Tôi yêu động vật, thích đồ thủ công, ghét các con số. Tôi không hiểu được các nút bấm trên ti vi, thời đó lại chưa có điều khiển từ xa nên nếu không được anh chị em xử lý phần “kỹ thuật” thì tôi không xem được các chương trình trên ti vi”, GS Barbara tự họa chân dung mình thời trẻ.

Ghét Toán, Khoa học, cô gái Barbara trước đây phải chọn học Tiếng Nga để có thể vào đại học. Thế rồi, bà hiểu ra chỉ theo đuổi một đam mê thì không có nhiều lựa chọn. Mở rộng đam mê sẽ có nhiều cơ hội tuyệt vời và hoàn toàn có thể bắt đầu lại với những môn học từng chán ghét, nhưng với một phương pháp học mới: Làm chủ quá trình tự học.

Và bà đã thay đổi, trở thành một giáo sư xuất sắc ngành kỹ thuật, chuyên gia về các phương trình Toán và khái niệm khoa học phức tạp. Những thứ bà ghét thời trẻ trở thành niềm đam mê và thành công sau này của bà.

Buổi chia sẻ về phương pháp học tập hiệu quả của GS Barbara Oakley tại VinUni thu hút hàng nghìn giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh phổ thông ở nhiều tỉnh thành.

Buổi chia sẻ về phương pháp học tập hiệu quả của GS Barbara Oakley tại VinUni thu hút hàng nghìn giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh phổ thông ở nhiều tỉnh thành.

Cơ chế tập trung và cơ chế phân tán trong học tập

Từ kinh nghiệm của mình, GS Barbara cho rằng khi biến học tập thành quá trình chủ động tự học, người học sẽ dần dần có hứng thú.

GS Barbara đưa ra khái niệm “chế độ tập trung” và “chế độ phân tán” là hai cách hoạt động của não bộ. Chế độ tập trung là chú ý làm một việc giống như giải một bài toán, còn khi phân tán là lúc tâm trí thư giãn và tự do. Để học hiệu quả, mọi người cần biết chuyển đổi hợp lý giữa hai chế độ tập trung và phân tán.

“Hãy đạp xe, tập thể dục, làm gì đó khác hẳn với việc học trước đó. Nhưng không nên thư giãn theo cách chăm chú chơi game, nói chuyện trên mạng. Vì như thế bạn lại chuyển từ một sự tập trung này sang sự tập trung khác”, GS Barbara nói.

Nói về tình trạng học sinh Việt Nam bị ép học thêm quá nhiều, GS Barbara cho rằng cách “nhồi” kiến thức đó không hiệu quả. Và cho dù có cố đưa được vào đầu đứa trẻ một lượng kiến thức nào đó thì việc ép buộc cũng khiến trẻ mất khả năng sáng tạo, mở rộng tư duy.

Theo bà Barbara, phụ huynh nên đồng hành với con trong hành trình học tập theo cách nhẹ nhàng, bố trí khoa học xen kẽ các khoảng nghỉ, thư giãn giữa những giờ học tập trung cao. Và tuyệt đối không để trí não trẻ in sâu gương mặt cau có, cáu kỉnh của cha mẹ khi thúc giục con học tập.

GS Barbara đưa ra kỹ thuật hẹn giờ Pomodoro, để chuyển đổi giữa hai chế độ tập trung và phân tán. Theo đó, người học có thể để chuông báo sau khi kết thúc khoảng thời gian 25 phút. Trong thời gian này, người học tắt mọi thứ có thể làm mình xao nhãng. Sau quãng thời gian tập trung, sẽ có 5 phút giải lao tự thưởng cho mình khoảng thư giãn, tự do. Quy trình lặp lại vài lần thì có thể bố trí 30 phút nghỉ giải lao. Bà nhấn mạnh đây là thời gian phát huy sáng tạo khi trí não được tự do bay bổng.

Lan tỏa “học cách học” theo hướng mở của VinUni

Ngoài kỹ thuật học, GS Barbara bày tỏ quan điểm cần đa dạng hình thức dạy học cũng như phát huy năng lực tự học với các học sinh lớp lớn. Theo bà, chỉ những học sinh lớp nhỏ mới cần hình thức học tập trực tiếp 100%. Học sinh THPT có thể giảm thời gian đến trường và kết hợp hai hình thức: học trực tiếp và học từ xa ở nhà qua video.

Theo GS, nhiều quốc gia hiện trả lương từ ngân sách cho giáo viên rất thấp dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng giáo viên không đồng đều. Nếu có thể tập trung ngân sách trả lương cao hơn cho một đội ngũ giáo viên tinh nhuệ để dạy trực tuyến, phủ sóng toàn quốc sẽ có nhiều ưu điểm. Đây không chỉ là tài nguyên dùng chung cho chính giáo viên mà học sinh dù ở đâu cũng có thể tiếp cận bài giảng chất lượng, từ đó tạo ra hiệu quả lan tỏa.

Giáo sư Barbara và Tiến sĩ Lê Mai Lan - Chủ tịch Hội đồng Trường VinUni đồng quan điểm về việc lan tỏa tri thức rộng rãi và xây dựng cộng đồng học tập mở.

Giáo sư Barbara và Tiến sĩ Lê Mai Lan - Chủ tịch Hội đồng Trường VinUni đồng quan điểm về việc lan tỏa tri thức rộng rãi và xây dựng cộng đồng học tập mở.

Cũng nói về sự lan tỏa trong giáo dục, Tiến sĩ Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni cho biết VinUni mong muốn đóng vai trò là một đơn vị học tập nòng cốt, là một điểm đến kết nối trí tuệ thế giới đến Việt Nam và lan tỏa tri thức này tới cộng đồng học tập tại Việt nam.

Chính vì thế, buổi nói chuyện của GS Barbara được thực hiện với hình thức bài giảng đại chúng, trực tiếp và hoàn toàn miễn phí tới hàng ngàn học sinh, sinh viên của Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm