Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Cần một số ưu tiên để giáo dục là quốc sách hàng đầu'

(PLO)- Các đại biểu đề nghị cần có các chính sách, chế độ cũng như quy định phù hợp nhằm giúp những người làm công tác giáo dục gắn bó, tâm huyết hơn với nghề.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm qua (20-11), ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội (QH) dành thời gian thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phần lớn đại biểu (ĐB) sử dụng các cụm từ “đồng tình, nhất trí, thống nhất cao, thống nhất rất cao, ủng hộ rất cao…” khi nói về sự cần thiết ban hành luật này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Cần một số ưu tiên để giáo dục là quốc sách hàng đầu'
ĐB Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai). Ảnh: PHẠM THẮNG

Học thêm là nhu cầu cần thiết của xã hội

ĐB Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nhắc đến triết lý “Giáo dục thay đổi thế giới” của Nelson Mandela - Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid.

“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp nền giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên” - ĐB dẫn lời ông Nelson Mandela và mong QH đóng góp xây dựng Luật Nhà giáo vì mục tiêu chung, vì phát triển đất nước để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.

Góp ý cụ thể cho dự thảo luật, đề cập đến những việc không được làm, ông Đỗ Huy Khánh cho hay dự thảo luật quy định nhà giáo không được “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”.

Theo ĐB, đây là nội dung còn nhiều ý kiến tranh luận. Dư luận xã hội cũng có hai luồng ý kiến cấm và quản lý. Ông đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ KH&ĐT ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn việc này. “Thực chất, học thêm là nhu cầu cần thiết của xã hội. Chúng ta không thể theo tư duy không quản lý được thì cấm” - ông Khánh nói.

Nêu thực tế có trường hợp công nhân tăng ca, 20-21 giờ mới về nên phải gửi gắm con cho các thầy cô đưa về nhà quản lý, ĐB đề nghị cần có cơ chế để bảo vệ họ.

DB-thi-thuy-ninh-thuan.jpg
ĐB Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đồng tình, ĐB Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho rằng cần nhìn nhận thấu đáo về dạy thêm, học thêm để quy định cho phù hợp, bởi thực tế dạy thêm là nhu cầu có thực của giáo viên.

“Học thêm cũng là nhu cầu có thực của học sinh, nhất là ở đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được các gia đình đầu tư học tập” - bà Thủy nói và cho rằng không chỉ các cháu học tập chưa tốt mới học thêm mà học sinh có năng lực học tập tốt cũng có nhu cầu học thêm nhằm nâng cao thêm kiến thức, nhất là các cháu có nguyện vọng thi vào trường chuyên, ĐH tốp đầu.

Từ đó, bà đánh giá những ý kiến cho rằng tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên đã giải quyết vấn đề dạy thêm là “chủ quan và chưa thực sự phù hợp với thực tế cuộc sống”.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ băn khoăn khi triển khai áp dụng quy định nói trên thì hình thức nào để chế tài, phân công ai giám sát và các hình thức xử lý kỷ luật ra sao? “Tôi đề nghị cần sớm có các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện” - bà Lệ đề xuất.

hoang-van-cuong-HA-NOI.jpg
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo

ĐB Chamaléa Thị Thủy đánh giá chất lượng đầu vào ngành sư phạm ngày càng tăng, mức độ cạnh tranh vào ngành sư phạm cũng rất khốc liệt. “Những mùa tuyển sinh gần đây, đã hết cái thời chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Đầu vào ngành sư phạm ngày càng tốt hơn” - vẫn lời bà Thủy.

Tuy nhiên, theo nữ ĐB, đầu ra còn vấn đề nên phải có chính sách để thầy cô giáo sống được bằng nghề, theo được đam mê nghề nghiệp, từ đó sẽ ngày càng thu hút được nhân tài.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng đội ngũ nhà giáo đang chiếm 70% tổng số viên chức. Theo ông, việc áp bảng lương của hệ thống viên chức cho đội ngũ nhà giáo, kể cả khi xếp ở mức cao nhất, cũng là không phù hợp.

“Cần phải xây dựng một bảng lương riêng cho đội ngũ nhà giáo để phù hợp với đặc điểm và vị trí công việc của mỗi người thầy. Chế độ tiền lương cần phải bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm, tâm huyết với nghề, không phải lo làm thêm để kiếm sống” - ông Cường nói thêm.

Để nhà giáo yên tâm công tác, ông cũng đề nghị quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như quy định đối với đối tượng sĩ quan trong quân đội.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) đề nghị lương của nhà giáo phải được tính toán, sắp xếp để dù ở khối trường công hay tư, ở thành thị, nông thôn hay miền núi, vùng sâu, vùng xa… cũng phải có mức lương tương xứng, đủ sống.

“Như vậy sẽ tránh được việc nhiều giáo viên mầm non, trường tiểu học phải bỏ nghề thầy đi cày nghề khác, dẫn đến thiếu thầy. Vấn đề này dự thảo luật có đề cập nhưng tôi thấy vẫn chung chung, khẩu hiệu. Mà đã là khẩu hiệu thì nói dễ, làm khó; khó có thể đi đến kết quả hoặc kết quả không đáng là bao. Giờ là lúc nói để làm, nói phải đi đôi với làm” - Hòa thượng Thích Thanh Quyết nêu quan điểm.

bo-truong-nguyen-kim-son-can-mot-so-uu-tien-de-giao-duc-la-quoc-sach-hang-dau.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Không thể nào chỉ mình sống sung sướng...

Trao đổi về một số nội dung cụ thể cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc tới những góp ý để bảo đảm lương nhà giáo được xếp cao nhất.

“Khi xây dựng luật này, chúng tôi cũng phải nhìn các ngành khác chứ không muốn ngành của mình có những đặc quyền, đặc lợi hay có gì đó ưu ái bất thường. Nhà giáo vốn dĩ là những con người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, không thể nào mình sống sung sướng mà bên cạnh, những người khác nghèo hơn mình. Nhà giáo không chấp nhận điều đó đâu” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Tuy nhiên, ông nêu thực tế một phần rất lớn trong số 1,6 triệu nhà giáo vẫn còn ở mức chưa đủ sống. “Mà chưa đủ sống thì không thể toàn tâm, toàn ý cho dạy học được” - theo Bộ trưởng.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng với một đất nước vừa mới thoát nghèo, chưa phải là một nước giàu như Việt Nam, khi cần phải ưu tiên thì chắc chắn không thể dàn hàng ngang cho tất cả mọi điều được. Do vậy, giáo dục được xem là một đột phá chiến lược, là “quốc sách hàng đầu” thì nhất thiết phải có một vài ưu tiên.

“Luật chỉ quy định một vài nguyên tắc, còn cụ thể lương như thế nào để bảo đảm mức sống tối thiểu cho nhà giáo thì Chính phủ sẽ quy định cụ thể” - ông Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm nguyên tắc về chuyên môn. Cụ thể, dự thảo cấm hành vi ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng với Luật Nhà giáo, chúng ta phải chấp nhận việc có một vài điểm quy định khác một số luật, nếu quy định tại những luật đó “không thuận” cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo.

Ông dẫn chứng độ tuổi nghỉ hưu sẽ quy định khác Bộ luật Lao động hay một giáo viên là viên chức làm việc cho hơn một cơ sở sẽ là điểm khác so với quy định tại Luật Viên chức.

“Một số quy định xét thấy thực sự khác nhưng phục vụ cho mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo thì mong rằng chúng ta chấp nhận việc này. Dẫu là khác nhưng cái khác đó đem lại điều tốt lành thì chúng ta sẵn sàng chấp nhận một số điểm khác biệt” - vẫn lời ông Sơn.

“Hôm nay, tôi là người hạnh phúc nhất”

Ngày 20-11 năm nay, niềm hạnh phúc của các nhà giáo nhân lên rất nhiều, vì đúng thời điểm này, QH thảo luận về Luật Nhà giáo.

Chưa nói tới nội dung, chỉ riêng việc Chính phủ, QH đồng ý việc xây dựng và trình QH dự án Luật Nhà giáo đã là sự ghi nhận, động viên rất to lớn đối với nhà giáo.

Tôi rất cảm ơn Ủy ban Thường vụ QH đã sắp xếp, chọn ngày hôm nay để thảo luận về dự án luật này. Nhiều người hạnh phúc nhưng chắc hôm nay tôi là người hạnh phúc nhất.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN KIM SƠN

******

Vinh danh nhà giáo tại nơi cư trú

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị khi nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cũng cần vinh danh tại nơi cư trú của nhà giáo.

p2+3-box-nguyen-van-canh.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) phát biểu tại phiên thảo luận.
Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ông, đây vừa là động lực cho nhà giáo mà cũng vừa để cho nhà giáo giữ gìn hình ảnh người thầy phù hợp với danh hiệu của mình. Các thế hệ trước gần như không có xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo viên hay học sinh xúc phạm thầy cô. Nhưng thời gian gần đây, những sự việc trên thỉnh thoảng xảy ra làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

“Tôi đề nghị Điều 11 cần bổ sung quy định những điều phụ huynh, người học không được làm đối với nhà giáo. Khi thầy cô vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh, người học cũng không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo mà phải thông qua nhà trường, ban đại diện cha mẹ, cơ quan nhà nước” - ĐB Cảnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm