Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, CN VPQH, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ĐBQH khoá XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra chiều nay do Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi họp báo
“Chỉ còn một ngày nữa, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử, đây là ngày hội toàn dân để cử tri thể hiện và phát huy quyền và trách nhiệm của công dân trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong QH và HĐND các cấp” - ông Phúc mở đầu buổi họp báo.
Ông Phúc cho hay đến thời điểm này cả nước có 91.476 tổ bầu cử với tổng số cử tri là hơn 69,26 triệu người. Nhưng, theo ông Phúc, danh sách cử tri chưa ổn định, có thể thay đổi trước 24 giờ ngày bầu cử là 22-5. Trường hợp thẻ cử tri có sự nhầm lẫn như sai tên, sai họ hay sai tên đệm, cử tri có thể đến tổ bầu cử, nơi mình bỏ phiếu bầu cử để đổi lại thẻ cử tri.
Ngày 22-5 (Chủ nhật tuần này), cử tri cả nước sẽ đi bầu cử tại các điểm bầu cử, thời điểm bầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, tuỳ từng điều kiện của điểm bầu cử có thể tiến hành sớm hơn và muộn hơn.
Cũng theo ông Phúc, công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử được hết sức chú trọng. Các cơ quan được giao nhiệm vụ này đã triển khai lực lượng nắm địa bàn, theo sát tình hình ở địa phương, chủ động rà soát, tham mưu giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, chú trọng an ninh trật tự, an toàn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp biên giới, thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước, trong và sau ngày bầu cử.
Thông tin thêm về việc tố cáo, khiếu nại sau khi danh sách 870 ứng cử viên ĐBQH được công bố, ông Phúc cho hay: Thời gian qua, Hội đồng bầu cử đã tiếp nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Trong những đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, có nhiều đơn, thư không liên quan đến cuộc bầu cử; có nhiều đơn, thư nặc danh, nội dung không rõ ràng và trùng lặp, một số trường hợp lợi dụng dịp bầu cử để khiếu nại, khiếu kiện những vấn đề đã khiếu kiện trước đây đã được giải quyết.
“Hầu hết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được nghiên cứu, xem xét chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức bầu cử xem xét, giải quyết. Trình tự xem xét, giải quyết được thực hiện đúng quy trình, thủ tục của pháp luật về bầu cử. Đến nay, Hội đồng Bầu cử Quốc gia không nhận được đơn thư kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban bầu cử của tỉnh, thành phố”, ông Phúc khẳng định.
Ông Phúc cũng cho biết thêm, đối với những trường hợp khiếu nại, tố cáo sau ngày 12-5 mà vẫn còn có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử phải thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết về việc ngừng giải quyết 10 ngày trước ngày bầu cử (Điều 61 Luật Bầu cử), đồng thời tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Liên quan đến nội dung tại sao 20 ngày sau mới công bố kết quả bầu cử mà không công bố sớm hơn, ông Phúc cho hay: Đây là quy định của Luật Bầu cử QH và HĐND các cấp, sau khi kết thúc bầu cử, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố gửi biên bản xác định kết quả bầu cử ĐBQH kèm theo danh sách những người trúng cử và các loại tài liệu khác có liên quan gửi về Hội đồng Bầu cử Quốc gia để lập biên bản tổng kết và công bố danh sách những người trúng cử ĐBQH trong cả nước.
Căn cứ kết quả tổng kết bầu cử ĐBQH, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến người trúng cử ĐBQH, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiến hành xác nhận tư cách người trúng cử ĐBQH khóa XIV cho người trúng cử vào báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách ĐBQH tại kỳ họp đầu tiên.