“Cuộc bầu cử lần này, người có quyền tham gia bầu cử được mở rộng hơn so với trước đây. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền con người và quyền công dân đã được tuyên bố long trọng trong Hiến pháp năm 2013” - ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nhấn mạnh khi nói về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB Hội đồng nhân dân (HĐND) sẽ diễn ra vào ngày 22-5.
Mở rộng đối tượng tham gia bầu cử
. Phóng viên: Thưa ông, việc mở rộng đối tượng tham gia bầu cử, cụ thể là những trường hợp nào?
+ Ông Trần Văn Bảy (ảnh): Bên cạnh xuất phát điểm nguyên tắc tôn trọng quyền con người và quyền công dân mà tôi vừa nói, Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định nguyên tắc suy đoán vô tội, nghĩa là cho đến trước khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật thì mọi công dân đều được coi là không có tội. Do vậy, pháp luật phải tôn trọng và bảo đảm quyền hiến định cho công dân, trong đó có quyền chính trị cơ bản đó là quyền bầu cử. Theo đó, những người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đều có quyền tham gia bầu cử.
. Vậy việc tổ chức bầu cử cho những cử tri trong trại tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ được tổ chức như thế nào, thưa ông?
+ Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ở các cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và trại tạm giam được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng để tạo điều kiện cho cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình.
Cử tri Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Ảnh: TTXVN
Sâu sát, không để sót tên cử tri
. TP.HCM có số lượng người nhập cư rất lớn và biến động liên tục. Trong trường hợp danh sách cử tri tại nơi thường trú đã được lập mà người dân các tỉnh vì công việc mưu sinh phải lên TP.HCM làm việc và tạm trú thì quyền bầu cử của người dân sẽ được thực hiện thế nào?
+ Trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều trường hợp tạm trú, do vậy chính quyền cơ sở phải thật sự sâu sát để nắm chắc danh sách người tạm trú nhằm đảm bảo không một người tạm trú nào bị sót tên trong danh sách cử tri.
Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để thực hiện quyền bầu cử; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để thực hiện quyền bầu cử.
. Vậy để đảm bảo cho mọi công dân đều có điều kiện tham gia bầu cử, theo ông cần lưu ý những vấn đề gì?
+ Theo tôi, phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động về bầu cử để cử tri biết được ngày bầu cử, địa điểm bầu cử. Các tổ chức phụ trách bầu cử và chính quyền địa phương cùng các đoàn thể phải căn cứ vào đặc điểm tình hình địa phương để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình.
Một vấn đề nữa là với những trường hợp không được tham gia bầu cử, nếu trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri.
Bên cạnh đó, những công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến UBND cấp xã xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri tham gia bầu cử.
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm rằng toàn bộ hoạt động bầu cử phải tuân thủ đúng pháp luật, nhất là khâu bỏ phiếu và kiểm phiếu. Do vậy, phải động viên cử tri tích cực tham gia bầu cử, sáng suốt lựa chọn người có đức, có tài để bầu vào cơ quan dân cử, khắc phục triệt để hiện tượng bầu hộ, bầu thay hoặc các hành vi vi phạm pháp luật bầu cử.
Tôi tin tưởng rằng cuộc bầu cử lần này thật sự là ngày hội của toàn dân và sẽ thành công tốt đẹp!
. Xin cám ơn ông.
Trường hợp nào không được tham gia bầu cử? Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND năm 2015 đã minh thị rõ những trường hợp sau đây không được ghi tên vào danh sách cử tri: - Người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; - Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; - Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; - Người mất năng lực hành vi dân sự. Điều này cũng có nghĩa là ngoài các trường hợp nêu trên thì tất cả công dân đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt đều có quyền tham gia bầu cử. Ông TRẦN VĂN BẢY, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM |