Khi thực hiện cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp, cần thiết phải thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương. Người dân cần biết hoạt động của các tổ chức này để nắm các thông tin bầu cử và thực hiện quyền công dân của mình.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM:
Chín nhiệm vụ, quyền hạn của ban bầu cử
. Thưa luật sư, các đơn vị phụ trách bầu cử ở địa phương được tổ chức ra sao?
+ Theo Điều 24 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND quy định về ban bầu cử thì có ban bầu cử ĐBQH, ĐB HĐND cấp tỉnh, huyện, xã như sau: Ban bầu cử ĐBQH do UBND cấp tỉnh thành lập chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử. Ban bầu cử ĐB HĐND các cấp được thành lập chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử. UBND cùng cấp thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử ĐB HĐND cấp mình một ban bầu cử.
. Xin luật sư cho biết các nhiệm vụ của ban bầu cử?
+ Ban bầu cử có chín nhiệm vụ, quyền hạn: Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử của các tổ bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở các tổ bầu cử. Ban bầu cử cũng có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu; nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử cho các tổ bầu cử chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử; nhận, tổng hợp và kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các tổ bầu cử; lập biên bản xác định kết quả bầu cử. Ban bầu cử giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến ủy ban bầu cử ở tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử ĐBQH; nhận và chuyển đến ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử ĐB HĐND; báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử. Ngoài ra, ban bầu cử còn chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử ĐBQH đến ủy ban bầu cử ở tỉnh; chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử ĐB HĐND đến ủy ban bầu cử cùng cấp; tổ chức thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).
Tổ bầu cử khu vực bỏ phiếu làm nhiệm vụ trong ngày bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp tại phường 11, quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD
Bà TRẦN THỊ HỒNG NGUYỆT, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Bình An, quận 2. TP.HCM:
Mỗi khu vực bỏ phiếu có một tổ bầu cử
. Thưa bà, việc thành lập tổ bầu cử ở địa phương được thực hiện ra sao?
+ Theo Điều 25 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND thì tổ bầu cử do UBND cấp xã thành lập chậm nhất là 50 ngày trước ngày bầu cử. Ở mỗi khu vực bỏ phiếu có một tổ bầu cử. Ví dụ, phường Bình An, quận 2 (TP.HCM) có bảy khu vực bỏ phiếu thì sẽ có bảy ban bầu cử và bảy tổ bầu cử.
Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì UBND huyện thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một tổ bầu cử. Đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng được thành lập một tổ bầu cử.
. Nhiệm vụ của tổ bầu cử trong tổ chức và thực hiện bầu cử?
+ Tổ bầu cử có 10 nhiệm vụ, quyền hạn sau: Phụ trách công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu; bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu; nhận tài liệu và phiếu bầu cử từ ban bầu cử; phát thẻ cử tri, phiếu bầu cử có đóng dấu của tổ bầu cử cho cử tri. Tổ bầu cử thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử; bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu. Tổ bầu cử giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ bầu cử; nhận và chuyển đến ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử ĐBQH, người ứng cử ĐB HĐND, khiếu nại, tố cáo khác không thuộc thẩm quyền giải quyết; kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử. Tổ này cũng có trách nhiệm chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu bầu toàn bộ phiếu bầu đến UBND cấp xã khi kết thúc việc kiểm phiếu; báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên; thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại tại khu vực bỏ phiếu (nếu có).
Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ, Đoàn Luật sư TP.HCM: Người ứng cử không được tham gia tổ chức bầu cử Người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử. Trường hợp người ứng cử đã là thành viên của ban bầu cử hoặc tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử. Điều này nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực, chính xác của lá phiếu cử tri bầu. Nếu người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập ban bầu cử, tổ bầu cử đó ra quyết định xóa tên người ứng cử khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế. |