Sau gần chín tháng gắn bó với hai CLB của Nhật đang chơi J-League 2, bầu Đức quyết định cho Tuấn Anh và Công Phượng về giúp HA Gia Lai đá V-League 2017 hơn là mòn đũng quần trên ghế dự bị. Nhớ hồi ra mắt hai CLB Mito Hollyhock và Yokohama, ông chủ của đội bóng phố núi sung sướng gọi đấy là cuộc gả con cho “chồng” Nhật như một cú đột phá mạnh mẽ vào nền bóng đá hàng đầu châu Á.
Dĩ nhiên, bên cạnh việc xuất ngoại học đá bóng còn là những toan tính thương mại hai bên cùng có lợi. Thế rồi chỉ chưa đầy năm theo hợp đồng, cả hai đứa trẻ đã phải khăn gói về nhà “mẹ đẻ”.
Tuấn Anh, Công Phượng sau hơn tám tháng học J-League 2 sẽ về đá V-League mùa 2017. Ảnh: X.HUY - D.PHƯƠNG
Chuyến du học của hai cầu thủ này dù ngồi nhiều trên ghế dự bị nhưng không thể nói họ thất bại. Trận đè bẹp CHDCND Triều Tiên 5-2 trên sân Mỹ Đình mới đây cho thấy sự tiến bộ rất nhanh của Tuấn Anh, riêng Công Phượng mới có 20 phút ra sân nên chưa thể hiện nhiều. Nó cứu vãn rất nhiều cho uy tín của cặp cầu thủ HA Gia Lai mà nhiều nhà chuyên môn cứ ngỡ họ đánh mất cảm giác thi đấu rất dễ bị thui chột.
Tuổi 21 của hai cầu thủ xuất thân từ Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG chưa có nhiều cơ hội ra sân ở giải J-League 2 của Nhật nhưng sau nhiều ngày đàng ở môi trường chuyên nghiệp cao, họ vẫn học nhiều sàng khôn. Ít nhất Tuấn Anh và Công Phượng đều hiểu rằng trình độ chuyên môn lẫn cái nền thể lực còn hạn chế của mình nên phải nỗ lực nhiều mới mong ra sân ở giải đấu lớn.
Sự chênh lệch đẳng cấp giữa hai nền bóng đá còn cao lắm, như con số 13/22 cầu thủ U-19 Nhật vừa vô địch giải U-19 châu Á có mặt ở J-League, còn cặp Tuấn Anh, Công Phượng đương nhiên có suất trên đội tuyển Việt Nam. Nói như anh Dung, bố Tuấn Anh là trình độ của Công Vinh giỏi thế mà sang Nhật cũng lận đận, còn ngồi dự bị nữa là…
Không ai nói mối duyên của Tuấn Anh, Công Phượng với nhà “chồng” có trục trặc, mà đơn giản chỉ là hai bên chưa hợp nhau lắm. Phải thừa nhận hơn tám tháng một thân một mình “làm dâu” xứ lạ, cả hai cầu thủ này đã phải cố gắng rất lớn để hòa nhập trong môi trường mới.
Cả hai đều giỏi tiếng Anh nhưng suốt nửa năm nghe đồng đội nói tiếng Nhật với nhau mà mình không hiểu nhiều thì họ cũng đã thua thiệt rất nhiều rồi. Họ phải tự chăm sóc bản thân và lo lắng cho mọi sinh hoạt hằng ngày với sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa,… không như hồi ở HA Gia Lai chỉ biết xỏ giày ra sân đá bóng.
Chưa kể Tuấn Anh, Công Phượng phải tự điều chỉnh để thích nghi với lối chơi ở đội bóng mới có đẳng cấp, đáp ứng kỳ vọng của CLB, của ông chủ, của người yêu bóng đá là đủ mệt lắm rồi.
Có một điều chắc chắn cho sự trở lại của hai cầu thủ này sẽ giúp cho HA Gia Lai ổn định hơn ở V-League và bảo đảm hơn cho việc hòa nhập nhuần nhuyễn với đồng đội tại SEA Games 2017.
Đó cũng là cách tính của bầu Đức trong thời buổi đồng tiền khó mà HA Gia Lai thì cần cầu thủ giỏi để tạo cú hích.
Xuân Trường có thể chơi thêm một năm ở K-League May mắn hơn hai đồng đội có cùng chuyến xuất ngoại, tiền vệ Xuân Trường chơi ở giải đấu cao hơn (K-League) trong màu áo Incheon United. Tuy nhiên, phải nhờ đến sự tỏa sáng của Xuân Trường ở đội tuyển… Việt Nam trong trận đại thắng CHDCND Triều Tiên 5-2 thì anh mới có thêm hai lần đá chính vào cuối mùa như chính anh thừa nhận. Tính cả ba lần có tên trong đội hình xuất phát, Xuân Trường đều chưa đủ sức chạy suốt trận với cường độ vận động cao và đều bị thay ra trong hiệp 2. Khó khăn của tiền vệ này là Incheon phải vất vả chống chọi xuống hạng nên cơ hội ra sân không lớn. Có điểm khác với hai đồng nghiệp ở Nhật chỉ có hợp đồng một năm, Xuân Trường ký hai năm với Incheon và dưới thời HLV mới, anh có vẻ hợp nhãn với thầy hơn trong cách sử dụng nhân sự. Tuy nhiên, HA Gia Lai vẫn dự tính sẽ thương thảo với Incheon để sớm chấm dứt hợp đồng, hoặc CLB sẽ trao nhiều cơ hội cho anh hơn trong tương lai. Ngày 7-11, Xuân Trường sẽ hội quân cùng đội tuyển Việt Nam chuẩn bị AFF Cup 2016. |