Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Đáng chú ý, dự thảo quy định người dân “không nên mặc trang phục hở hang không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm”, nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên báo chí. Quy định này gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Nhà văn ĐỖ PHẤN:
Quy tắc chỉ dùng để vận động
Quy tắc ứng xử chỉ là một cuộc vận động sâu rộng mà thôi, tuyệt đối không nên kèm theo chế tài “bêu tên”. Mặt khác, ăn mặc như thế nào được gọi là phản cảm? Gọi là quy tắc ứng xử cho TP có nghĩa là nó sẽ có tác dụng với bất kỳ ai có mặt ở TP này. Điều này không thể thực hiện được bởi TP luôn có lượng khách nước ngoài rất lớn. Không thể bắt khách nước ngoài ăn mặc theo cách nghĩ của ta.
Luật sư PHẠM THỊ THÚY KIỀU (Văn phòng Luật sư số 6, Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Dễ gây tâm lý chia rẽ
Theo tôi, việc “bêu tên” như trong dự thảo là vi phạm về quyền riêng tư của cá nhân.
Điều này nếu được áp dụng chắc chắn sẽ xảy ra những tranh chấp giữa người bị bêu tên với cơ quan chức năng. Việc bêu tên là một cách phê bình không mang tính xây dựng mà trù dập người khác, nó không những không làm cho người đó tốt lên mà thậm chí sẽ gây chia rẽ trong nội bộ nhân dân, tạo khoảng cách giữa người dân và chính quyền, gây tâm lý căng thẳng, ức chế, thậm chí dẫn đến đơn thư khiếu nại.
Theo chủ quan của tôi, quy tắc này khó khả thi. Hiện nay chúng ta có khá nhiều chế tài khác như liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm hành chính mà còn chưa làm được. Không thể nào có đủ lực lượng chức năng để suốt ngày đi nhìn, đánh giá là mặc thế có phải hở hang, phản cảm không.
Luật sư NGUYỄN HOÀNG ANH (Đoàn Luật sư TP.HCM):
Bêu tên là sai luật
Dự thảo quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội có ý định bêu tên người vi phạm, trong đó tùy vào mức độ các cá nhân sẽ bị “nhắc nhở, phê bình, lên án trên phương tiện thông tin đại chúng” là không đúng luật, dễ gây xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân một cách tùy tiện.
Theo Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chỉ có 14 lĩnh vực vi phạm hành chính bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trong 14 lĩnh vực này không hề có các hành vi vi phạm như quy tắc ứng xử của Hà Nội nêu ra với những ứng xử của văn minh đô thị, kiểu như không được nấu nướng trên vỉa hè, không được ăn mặc hở hang…
Thiết nghĩ quy tắc thì chỉ nên là sự khuyến cáo cho một bộ phận cộng đồng dân cư chứ không nên có chế tài, kỷ luật. Bởi nếu đã đưa ra hình thức xử lý thì chỉ có hai hình thức xử lý là hình sự hoặc hành chính và phải đúng luật chứ không thể đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật được.
Ông NGUYỄN NGUYÊN THỨC (Quận Hoàng Mai, Hà Nội):
Ai đi đo sự hở hang?
Nhiều yêu cầu trong quy tắc lại trùng lặp với các quy định khác đã được ban hành. Cụ thể như quy tắc nêu những việc người dân không nên làm ở nơi công cộng, đó là: Không nói to, gây ồn ào, mất trật tự; không kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực; không nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; không xả rác thải, chất thải trái nơi quy định… đã được quy định tại Điều 5, 6, 7 Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...
Bên cạnh đó, một điểm gây chú ý của quy tắc là nội dung khuyến cáo “không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm”... Điều này cũng đặt ra câu hỏi về việc tiêu chí nào để xác định trang phục đó là hở hang, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Chẳng lẽ lại quy định vùng bao phủ của vải chiếm bao nhiêu phần trăm cơ thể thì được coi là hở hang.
Những hành vi được công bố công khai “Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính: 1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. 2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. 3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính. (Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính) |